CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:07

Dự thảo chương trình GDPT mới: Gấp rút đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

 

Nhiều thay đổi trong chương trình GDPT

Tại buổi công bố dự thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, chương trình GDPT mới có 20 môn và các hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: Tiếng Việt, Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Một số môn học tích hợp mới như: Lịch sử và Địa lý (cấp THCS), Khoa học (cấp tiểu học), Khoa học tự nhiên (THCS), Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Ngoài ra, một số môn học, hoạt động giáo dục lần đầu được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…

 

Nhiều trường lo ngại chất lượng lớp học, giáo viên chưa đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới.

 

“Chương trình mới chú trọng giảm tải nội dung, nhất là giảm bớt kiến thức khó, nhàm chán ở các môn Toán, Lịch sử, Giáo dục công dân... Vì thế, ban soạn thảo chú trọng thay đổi phương pháp dạy học. Vấn đề chuẩn bị đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, nhất là điều tra đội ngũ giáo viên từng cấp học, môn học đáp ứng yêu cầu của chương trình mới sẽ được Bộ GD&ĐT quan tâm. Dự kiến tháng 4/2018 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDPT mới để làm căn cứ cho các tác giả viết sách giáo khoa. Về hình thức thi tốt nghiệp THPT, từ nay đến năm 2020 hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay”, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới trong tương lai là một nhiệm vụ quan trọng, cần gấp rút thực hiện. Giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao khả năng tự học, để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục. “Tới đây có những môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, các giáo viên sẽ được học bồi dưỡng, học các tín chỉ để có thể đảm nhiệm. Thời gian từ nay đến khi triển khai chương trình mới ở THCS còn 3 - 4 năm, nên đủ thời gian chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, trong thời gian tới, các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới, ít nhất là đảm bảo sĩ số lớp học đúng quy định hiện nay: Cấp Tiểu học 35 học sinh/lớp, cấp THCS và THPT 45 học sinh/lớp. Bởi sĩ số đông cũng là lực cản trong việc đổi mới giáo dục”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay.

 Đổi mới phương pháp tập huấn và đào tạo giáo viên

Ngay sau khi dự thảo nêu trên được công bố, thầy giáo Ngô Quốc Đường, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) cho biết, dự thảo đã tiếp cận được xu hướng phát triển của thế giới, giúp học sinh có được những kỹ năng và cách nhìn đúng đắn, toàn diện. Tuy nhiên, để chương trình mới thành công cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. “Các trường sư phạm cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp tập huấn và phương pháp đào tạo giáo viên, làm sao để người đứng lớp hiểu được tường tận mục tiêu của bài học. Không để lặp lại tình trạng mỗi trường cử một đến hai giáo viên đi tập huấn một vài ngày sau đó về trường truyền đạt lại cho đồng nghiệp không đến nơi đến chốn, không bảo đảm yêu cầu”, thầy Đường nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu Hoàng Đức Minh cho rằng, quá trình thực hiện chương trình GDPT mới sẽ gặp những khó khăn nhất định do đặc thù của từng địa phương. Các giáo viên dạy tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội còn gặp lúng túng trong hoạt động dạy, học. Giáo viên các môn học còn lại cũng rất cần tập huấn, bồi dưỡng để bảo đảm thực hiện tốt chương trình.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, ông không lo chất lượng, trình độ giáo viên khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới mà lo giáo viên không nhiệt tình thực hiện. Trong khi để thực hiện, phải bắt nguồn từ cơ sở. Vì vậy, phải tập huấn, đào tạo làm sao để giáo viên hiểu cần đổi mới và đổi mới thực hiện như thế nào rất quan trọng. Theo ông Vũ, từ đây đến khi áp dụng chương trình đổi mới từ lớp 1 không còn nhiều thời gian, vì vậy cơ sở cần được hướng dẫn rõ về việc thay đổi cơ sở vật chất, cụ thể các phòng học chức năng cần đáp ứng tiêu chí nào để sớm có tham mưu, triển khai.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, Bộ nên sớm có chương trình bồi dưỡng khung và chương trình chi tiết để các đơn vị có phương án triển khai. Đặc biệt, Hà Nội có lượng giáo viên đông đảo mà chọn bồi dưỡng cốt cán 2 người/bộ môn thì rất khó để triển khai đại trà.

 

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Để triển khai tốt Chương trình, Hà Nội sẽ rà soát lại đội ngũ, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện; xây dựng kế hoạch phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng; chỉ đạo các nhà trường kiểm tra, rà soát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.

 

Dự thảo chi tiết các chương trình các môn học sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để tiếp tục xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân sau khi đã chỉnh sửa trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm, giáo viên cốt cán tiểu học, THCS, THPT từ trước đó.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh