TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia
- Dược liệu
- 17:29 - 28/11/2018
Năng suất lao động khu vực nông thôn năm 2008 ở TP Hồ Chí Minh đạt 29,4 triệu đồng/người, năm 2014 đạt 64,7 triệu đồng/người, năm 2017 đạt 84,9 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2017 so với năm 2008 đạt 188,7%.
Mô hình nuôi bò sữa giúp nhiều dân Củ Chi thoát nghèo.
Mới đây, thông qua hội nghị ký cam kết hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM thành phố giai đoạn 2018 – 2020, Ban chỉ đạo đã báo cáo kết quả giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí (2016-2018). Thông qua Chương trình xây dựng NTM, tình hình nông nghiệp, nông thôn thành phố có nhiều khởi sắc tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha đất canh tác tính đến cuối năm 2017 là 450 triệu đồng, tăng 1,09 lần so với cùng kỳ 2016 (410 triệu đồng) – tăng 1,20 lần so với năm 2015 (375 triệu đồng)...
Từ kết quả thực hiện tại các xã, huyện, tốc độ tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp năm 2017 của thành phố khá cao: GRDP đạt 8.539 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ 5,4%), đạt chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố đề ra 5,8-6%.
Cuối năm 2017 thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn là 49,18 triệu đồng, đến cuối 2018 ước đạt 54,7 triệu đồng. Số hộ nghèo khu vực nông thôn thành phố chỉ còn 9.398/352.920 hộ (chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng hộ dân tại 5 huyện); không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.
Phong trào xây dựng NTM với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhiều mô hình sản xuất giỏi được nhân rộng; nhiều tấm gương nông dân điển hình xây dựng NTM được biểu dương. Trong số đó, có không ít bạn trẻ đã mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng NTM địa phương.
Mới đây, tại hội nghị ký cam kết hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2018 – 2020 giữa các sở, ban, ngành với 5 huyện của thành phố, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố lưu ý: So với các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia, đối với TP Hồ Chí Minh, tất cả các tiêu chí đều cao hơn. Ví dụ tiêu chí thu nhập vùng Đông Nam Bộ là 59 triệu đồng/người/năm, TP Hồ Chí Minh phải đạt 60 triệu đồng/người/năm; tiêu chí bao phủ bảo hiểm cả nước là 85%, TP Hồ Chí Minh phải đạt 90% trở lên… Vì vậy, các sở, ban, ngành, huyện, xã phải cam kết và nỗ lực để NTM TP Hồ Chí Minh cán đích vào năm 2020.
Học nghề là cách giảm nghèo bền vững đối với TP Hồ Chí Minh.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo của TP Hồ Chí Minh là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm), hộ cận nghèo có mức thu nhập dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm). Phấn đấu đến cuối năm 2018, TP Hồ Chí Minh sẽ nâng chuẩn nghèo lên mức dưới 28 triệu đồng/hộ/năm, hộ cận nghèo dưới 36 triệu đồng/hộ/năm. Dự kiến khi nâng chuẩn, TP Hồ Chí Minh sẽ có dưới 5.000 hộ nghèo, 28.000 hộ cận nghèo. Quan điểm của TP Hồ Chí Minh là giảm nghèo bền vững chứ không chạy theo thành tích.
Theo ông Tấn: “Muốn các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững thì các hộ này phải có việc làm, tay nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân. Để làm được điều này, đơn vị cũng đã có đề án đào tạo nghề cho người dân nông thôn với những ưu đãi, chế độ hỗ trợ như hộ nào thoát nghèo, cận nghèo hỗ trợ thêm 1 năm dịch vụ cơ bản, 2 năm về vốn...”
Từ năm 2016 đến nay, TP huy động gần 11.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn này, các chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, tặng học bổng, miễn giảm học phí, dạy nghề, xây mới và sửa chữa nhà tình thương, tặng thẻ bảo hiểm y tế… cho người nghèo được đảm bảo triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng. Qua đó, trong 3 năm, giúp hơn 62.000 hộ nghèo và hơn 20.000 hộ cận nghèo vươn lên, thoát nghèo, thoát cận nghèo và TP hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn 2 năm; số hộ cận nghèo dự kiến còn lại đến cuối năm 2018 là khoảng 28.000 hộ, chiếm tỷ lệ khoảng 1,4% tổng hộ dân TP.
Năm 2019, TP Hồ Chí Minh dự kiến huy động nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm nghèo là 4.670 tỷ đồng, năm 2020 là 4.736 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, TP hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn TP giai đoạn 2019 - 2020 (tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%) và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.