THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:45

Dự kiến năm 2022: GDP khoảng 6 - 6,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên họp

Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại phiên họp toàn thể lần thứ hai đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Năm 2022: Tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%

Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được giữ vững, thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán.

Ước thực hiện cả năm có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, nền kinh tế chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo đó, dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Gồm tốc độ tăng trưởng GDP ước chỉ đạt 3,5-4% (trong khi mục tiêu là 6%), tiềm ẩn một số rủi ro kinh tế vĩ mô.

Song song đó, cũng bởi tác động nặng nề của đại dịch, ảnh hưởng đến tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước 3,7% (mục tiêu là 4,8%); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước 28% (mục tiêu từ 45-47%) và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước 0,5-1% (mục tiêu 1-1,5%).

Cũng theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đàu tư, năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do... sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh.

Về dự kiến kế hoạch năm sau, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu bối cảnh, tuy năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút; còn tiềm ẩn nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, khu vực; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục là nguy cơ thường trực.

Ông Phương cho biết, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) so với GDP khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92%...

Đặc biệt, giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011 - 2015

Đặc biệt, giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011 - 2015

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 5 cân đối lớn về tích lũy - tiêu dùng, Ngân sách Nhà nước, xuất, nhập khẩu, điện, lương thực, trong đó quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 9,3-9,4 triệu tỷ đồng (trong đó tiêu dùng cuối cùng chiếm khoảng 68% GDP);

Bội chi Ngân sách Nhà nước bằng khoảng 4% GDP; xuất, nhập khẩu ước nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, sản lượng điện thương phẩm tăng khoảng 8,4-9,1%; bảo đảm cân đối lương thực.

Phải có chính sách “rã đông” nền kinh tế

Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá cao về các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội.

Đi vào các chỉ tiêu cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, trong bối cảnh dịch bệnh còn tác động trong dài hạn “thì đây là những chỉ tiêu khá cao”.

Ông Luận đơn cử, như chỉ tiêu sang năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5% - bằng 2021, tuy nhiên chỉ tiêu này sẽ là cao vì "diễn biến dịch dự báo vẫn còn phức tạp, kéo dài, tác động từ các biện pháp phòng, chống dịch đến người dân, nhất là những người nghèo vẫn chưa tính được hết nên sắp tới vẫn còn khó khăn", ông Luận phân tích.

Cũng góp ý về chỉ tiêu cho năm sau, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế cho rằng nên có hai phương án kịch bản cho GDP và các chỉ tiêu khác để chủ động ứng phó. “Cần xác định mục tiêu ưu tiên để có giải pháp ưu tiên trong kế hoạch năm 2022, không nên xác định mục tiêu dàn đều như các năm trước”, ông Hùng nêu quan điểm. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra, do tác động nặng nề của đại dịch,  việc thu ngân sách nhà nước dự kiến hụt thu khá lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương, tình trạng giải ngân đầu tư công vẫn đang rất chậm, tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm; nguy cơ lạm phát; thu hút vốn FDI giảm, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa, nông sản gặp khó khăn.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, một trong những yếu tố góp phần đạt được kết quả tích cực là chính sách tài khóa kết hợp tiền tệ được Chính phủ điều hành với sự tham gia tích cực của Quốc hội được kịp thời ban hành, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tế trong xử lý tình huống cấp bách, phục vụ ứng phó phòng chống dịch bệnh.

Cho rằng cần có chính sách “rã đông” nền kinh tế sau thời gian dài giãn cách, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, bên cạnh tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ đã ban hành, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu có thêm các gói hỗ trợ lớn hơn, mạnh hơn, cần có chương trình kích cầu sớm; giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, chuyển dịch lao động sau dịch.

“Nhưng cần thận trọng trong ban hành chính sách hướng đúng trọng tâm hỗ trợ, tránh dàn trải, quan tâm đến những đối tượng thực sự khó khăn, quan tâm đến người nông dân”, ông Phạm Đức Ấn lưu ý.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Kinh tế sẽ xây dựng hoàn thiện báo cáo thẩm tra, gửi xin ý kiến các đại biểu và các cơ quan của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 4 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tới.

Giai đoạn 2016- 2020:

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn trước

Báo cáo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có 17/22 mục tiêu đã được hoàn thành, góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất.

Đặc biệt, giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011 - 2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện.

Đáng chú ý, mục tiêu cụ thể giai đoạn mới 2021- 2025 là tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước…

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh