THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 01:08

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 6 nhóm lao động được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 6 nhóm lao động được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp

Sáng 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 10.400 xã phường thị trấn.

12,8 triệu lao động và 386.000 người sử dụng lao động hưởng chính sách

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, trong 3 tháng, chúng ta đã triển khai hai Nghị quyết liên quan đến giải quyết chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid.

Đó là Nghị quyết 68/NQ-CP và ngay chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đột xuất, có Nghị quyết 03/2021/NQ-UBTVQH15, và Chính phủ đã có Nghị quyết 116/NQ-CP (ngày 24/9/2021) hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Có thể nói đây là chính sách "chưa từng có tiền lệ" đáp ứng yêu cầu cấp bách, trong bối cảnh dịch bệnh tác động nhiều mặt và nặng nề đến đời sống xã hội.

"Và mục tiêu quan trọng là hỗ trợ người lao động đang đóng Bảo hiểm thất nghiệp để bớt đi khó khăn; và thứ hai là hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng tình trạng mới để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm", Bộ trưởng Dung nói.

Về đối tượng của "gói" hỗ trợ này, Bộ trưởng nêu rõ, đây là Quỹ tài chính độc lập do người lao động, và người sử dụng lao động đang tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó đối tượng hỗ trợ là người lao động và người sử dụng lao động đang thực hiện đóng Bảo hiểm thất nghiệp, trên cơ sở, nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, bình đẳng, và có ưu tiên một số đối tượng như: Người lao động mới tham gia chưa đủ 12 tháng do công việc mới, do thu nhập thấp, và rủi ro công việc cao.

Theo đó, có 6 nhóm lao động được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ dựa trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Cụ thể thời gian đóng như sau:

Đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.

Nguồn kinh phí: Khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.

Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Và có khoảng 12,8 triệu người sẽ được hưởng chính sách từ nhóm này.

Và hỗ trợ người sử dụng lao động từ giảm đóng Quỹ là 8.000 tỷ đồng. Ước khoảng 386.000 người sử dụng lao động sẽ được hưởng chính sách này. 

Như vậy, tổng kinh phí của chính sách này là 38.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ nhanh, trực tiếp, chuyển thẳng tiền vào tài khoản

Về phương thức thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết "sẽ tiến hành một cách nhanh nhất".

Cụ thể, đối với người lao động sẽ chuyển vào tài khoản, còn chưa có tài khoản, sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại mở tài khoản cho họ để chuyển thẳng; trường hợp còn lại nữa, cũng không có tài khoản thì sẽ hỗ trợ từ bảo hiểm, nhưng số này sẽ rất ít.

Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 116 giao hỗ trợ người lao động trong 3 tháng, nhưng với tinh thần quyết tâm cao nhất, cố gắng sẽ rút ngắn thời gian tối đa chỉ còn 1,5 tháng (rút ngắn một nửa thời hạn theo yêu cầu của Chính phủ).

"Tương tự, với người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ trực tiếp một cách nhanh nhất, chỉ 5 ngày là hoàn thiện cơ bản", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cũng mong các địa phương, nhất là BHXH, ngành LĐ-TB&XH, chính quyền các cấp giám sát việc thực hiện này; MTTQ VN, các đoàn thể nhân dân giám sát việc tổ chức thực hiện.

Về Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, sau gần 3 tháng thực hiện Nghị quyết 68 đến nay, có gần 17 triệu người đã được thụ hưởng chính sách, với tổng số tiền hỗ trợ gần 12.300 tỷ đồng, trong đó có gần 4,6 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù với kinh phí gần 6.300 tỷ đồng và gần 77.000 hộ kinh doanh.

Nhận định việc thực hiện chính sách có hiệu quả, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ các đối tượng như người lao động bị mất việc làm, người phải tạm dừng việc, giãn việc, bị sụt giảm thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ để tiếp tục sửa đổi Nghị quyết 68 theo hướng "làm sao để người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận chính sách một cách thuận lợi nhất".

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh