Dự án VSEP: Tiếp tục triển khai đào tạo nghề theo phương pháp tiến bộ
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:16 - 21/04/2017
Đây là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Canada, do Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada chủ trì, với chi phí tài trợ lên đến 20 triệu CAD.
Nội dung cuộc họp của Ban chỉ đạo Dự án VSEP được tổ chức chiều nay (20/4), tại Đại học Quốc gia TP.HCM nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua, từ đó thảo luận để thông qua kế hoạch hoạt động trong năm thứ tư của dự án (từ 1/ 4/ 2017 đến 31/ 3/ 2018).
Ông Michael Emblem - đồng Giám đốc Dự án VSEP nhận xét về chương trình qua 3 năm thực hiện.
Ông Michael Emblem - đồng Giám đốc Dự án VSEP cho biết, qua 3 năm triển khai, Ban chỉ đạo đã tổ chức cho nhiều cán bộ tham gia học hỏi mô hình CĐCĐ Canada tại trường Niagara; tổ chức hội thảo về tiếp cận thảo luận vấn đề về tăng cường tiếp cận và xóa bỏ rào cản trong tiếp cận giáo dục đào tại nghề dành cho nhóm đối tượng chọn lọc của dự án VSEP; tổ chức diễn đàn chính sách chủ đề hướng đến mô hình trường cao đẳng hiện đại; xây dựng chương trình khung CAM series; xây dựng và triển khai chuyên đề về trường cao đẳng lấy người học làm trung tâm. Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn xây dựng dự án bao gồm 2 hợp phần: xây dựng hai Trung tâm Đào tạo Quản lý Tiên tiến (TCAM) đặt tại Học viện Quản lý Giáo dục (NAEM) ở Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM; xây dựng ba chương trình TVET mẫu tại các trường CĐCĐ ở Bình Thuận, Hậu Giang và Vĩnh Long, phù hợp với đặc thù và nhu cầu của doanh nghiệp địa phương.
Cũng theo ông Michael Emblem, trong năm thứ tư, VSEP tập trung hoàn thiện phần đề cương cho CAM Series và tiếp tục triển khai các mô đun CAM Series cho các trường cao đẳng ở Việt Nam. Song song đó, VSEP cung cấp các trang thiết bị, đặc biệt là các phòng thí nghiệm và thực hành, giúp nâng cao năng lực dạy và học tại các trường.
Ths. Trần Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Vĩnh Long phát biểu tại buổi họp mặt
Là một trong ba đơn vị tham gia chương trình mẫu của VSEP, Ths. Trần Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Vĩnh Long nhận xét: “ Dự án VSEP tập trung vào việc phân tích nhu cầu của doanh nghiệp, năng lực cụ thể của ngành, xem một ngành cần có năng lực gì? Từ đó xây dựng chuẩn đầu ra, thiết kế môn học đáp ứng năng lực đó”. Cũng theo ông Tùng, mặc dù nhận thức được ưu điểm nổi bật của phương pháp mới, thế nhưng trong quá trình triển khai, nhà trường gặp không ít khó khăn bởi lối tư duy dạy và học truyền thống, đây được xem là một trong những rào cản cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Được biết, Ban chỉ đạo dự án VSEP gồm đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia, UBND tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh Vĩnh Long cùng đại diện các tổ chức và hiệp hội về giới, doanh nghiệp và lao động. Theo kế hoạch, dự án chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014 và sẽ kết thúc vào cuối năm 2020.