CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:42

Chuyên gia lo ngại dự án thủy điện trên sông Hồng

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, nhận định rằng việc xây dựng 6 đập thủy điện trên sông Hồng chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều tác động khác nhau, không chỉ gây mất cân bằng nguồn nước mà còn liên quan đến tình trạng xói lở ven bờ, thay đổi và suy kiệt nguồn nước ngầm, hệ sinh thái ven sông …

Theo ông Kinh, cần cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định làm dự án này. Ông Kinh cho rằng, về mặt phát điện thì cả 6 đập thủy điện mới chỉ có công suất nguồn gần 290 MW, xét kỹ chẳng ăn thua gì so với nguồn cung và cán cân năng lượng quốc gia.

“Về mặt hiệu quả kinh tế dự án tôi không đánh giá sâu, nhưng về mặt môi trường thì dự án này chắc chắn sẽ tác động ghê gớm chứ không nhỏ”, ông Kinh khẳng định.

Sông Hồng là nơi cung cấp lượng phù sa lớn cho việc canh tác, nuôi trồng của cả một lưu vực rộng lớn. Do vậy ông Kinh cho rằng sáu bậc thang thủy điện trên sông Hồng tạo ra lượng điện không đáng kể, chưa kể nạo vét gần 300 km lòng sông nữa thì tác động tới không biết bao nhiêu người dân mà sinh kế đang phụ thuộc vào con sông này về các mặt thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, duy trì hệ thống nước ngầm từ thượng nguồn đến hạ nguồn.

Sông Hồng được coi là dòng sông mẹ, là cái nôi sinh dưỡng nền văn minh Đồng bằng Bắc bộ. Ảnh báo TN&MT

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Ngụy Thị Khanh, thành viên Ban cố vấn của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, tác động hiện hữu ban đầu có thể thấy là khi ngăn đập sẽ làm thay đổi dòng chảy, khi đó sẽ ảnh hưởng đến sự di cư của các loài cá, trong đó có những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Thứ hai là việc ngăn dòng chảy sẽ ảnh hưởng đến cả lưu vực hạ lưu của đồng bằng sông Hồng, khi ấy đồng ruộng sẽ không còn phù sa bồi đắp, việc tưới tiêu cho nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Bà Khanh đặt vấn đề rằng vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu rà soát và cho thấy có rất nhiều thủy điện làm ảnh hưởng đến dòng chảy gây ra tình trạng xói lở và đã hủy bỏ rất nhiều dự án. Vậy mà không hiểu dự án này xuất phát từ đâu vì trong quy hoạch hệ thống thủy điện không có dự án này.

Vẫn theo bà Khanh, cần phải làm rõ ràng ngay từ khâu xin chủ trương nếu thấy không khả thi để nhà đầu tư không phải tốn thêm kinh phí cho bước tiếp theo, tránh lặp lại tình trạng như dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Cũng bày tỏ sự băn khoăn về dự án này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết, việc xây dựng các đập thủy điện hiện nay đã làm mất khá nhiều diện tích rừng. Vì thế, dự án này cần phải làm rõ vị trí đặt các con đập ở đâu có phải phá rừng làm đường, làm lòng hồ hay không?

Theo ông Ngãi có một thực trạng đã từng xảy ra trước đây ở các dự án thủy điện vừa và nhỏ là ban đầu khi lập dự án nhà đầu tư báo cáo chặt ít rừng. Song, khi bắt tay vào xây dựng thì diện tích rừng bị phá lại tăng lên. Vì thế, khi các cơ quan chức năng phê duyệt dự án cần thận trọng.

Đối với giao thông thủy ông Ngãi cho biết, hiện nay các thủy điện trên các dòng sông ở phía Bắc đều không có âu thuyền, bây giờ làm âu thuyền ở đoạn sông Hồng thì cũng không tạo ra được mạng lưới đường thủy thông suốt nên khi thẩm định các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 26/4 về chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành) do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đề xuất thì các bậc thang thủy điện nhỏ trên sông Hồng theo đề xuất trong dự án chưa có trong Quy hoạch phát triển điện 7 quốc gia.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gởi Thủ tướng mà TBKTSG Onlinecó được, các bậc thang thủy điện nhỏ trên sông Hồng theo đề xuất của dự án cũng chưa có trong quy hoạch của các ngành thủy lợi, quy hoạch tài nguyên nước cũng như quy hoạch phòng chống lũ và đê điều.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự kiến sẽ có 6 đập dâng nước và âu tàu được xây dựng trên sông Hồng, đồng thời nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì – Lào Cao (khoảng 290 km). Ngoài ra sẽ xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ công suất 228 MW có thể tạo lượng điện khoảng 912 triệu kWh//năm; đồng thời nhà đầu tư cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến sông Hồng gồm cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa, Văn Phú, Ngọc Tháp, Cổ Tiết và cảng Bắc Hà Nội.

Toàn bộ tuyến công trình giao thông thủy kết hợp thủy điện nói trên dự kiến được xây dựng trong 6 năm (2016 – 2021) trên các địa bàn tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và thành phố Hà Nội, tổng mức đầu tư là 24.510 tỉ đồng.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sẽ có 120 hộ dân (khoảng 600 người) bị di dời do nằm trong phạm vi xây dựng dự án, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoàng 120 héc ta gồm đất ở, cây trồng, ao, vườn, rừng.

Nhà đầu tư lên kế hoạch thu lại chi phí đầu tư bằng các phương án: bán điện (1.900 đồng/kWh cho năm đầu và lộ trình tăng giá theo thời gian), thu phí luồng tuyến trên từng đoạn (dao động từ 10.000 – 45.000 đồng/tấn), khai thác cảng...

Giữa tháng 1/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ liên quan gồm Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Quốc Phòng, UBND tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho ý kiến về dự án nói trên.

Kết quả, đa phần các bộ liên quan thống nhất về chủ trương đầu tư dự án và đề nghị làm rõ thêm nhiều tác động liên quan.

Đáng chú ý là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị đánh giá chi tiết các tác động đến tài nguyên nước như chất lượng nước, biến đổi lòng dẫn trước khi xây dựng các công trình đập dâng nước, âu tầu, hệ thống cảng và thủy điện trên sông Hồng đoạn từ Việt Trì đến Lào Cai.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính lưu ý đến khả năng huy động vốn của nhà đầu tư khi tổng vốn dự án lên đến 24.510 tỉ đồng, trong đó cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay thương mại là 30/70 tương đương với phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải huy động thực hiện dự án khoảng 7.353 tỉ đồng, tuy nhiên theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì vốn điều lệ của công ty chủ đầu tư chỉ 1.200 tỉ đồng. Do vậy, nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính và khả năng huy động vốn để thực hiện dự án nói trên.

Sau khi nêu ý kiến góp ý của các bộ ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.

TBKTSG Online

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh