Dự án nghìn tỷ- nhà thầu quỵt tiền công nhân?
- Pháp luật
- 16:32 - 19/05/2016
Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang, là cụm công trình lớn nhất về đường thủy được đầu tư trên khu vực đồng bằng Bắc bộ của Dự án WB6, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Công trình gồm 8 Hợp đồng xây dựng, với tổng giá trị 1.600 tỷ đồng. Một trong 8 nhà thầu đảm nhiệm xây dựng này là Cty cổ phần Lochsa Việt Nam (tầng 2, Tòa nhà CT1, Khu đô thị mới Văn Khê, phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội) với gói thầu CV-A2.1-NDTĐP: công trình đê bao khu đổ đất phía Bắc, thuộc cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang.
Theo đơn tố giác của ông Lê Văn Tắn (Hải Phòng): Do có quen biết với lãnh đạo Cty cổ phần Lochsa Việt Nam, ngày 21/6/2014, với tư cách cá nhân, ông ký “Hợp đồng giao khoán nội bộ thi công xây dựng công trình” với Cty này do bà Nguyễn Thị Ngọc (Chủ tịch HĐQT) làm đại diện.
Với bản hợp đồng này, ông Tắn được nhà thầu Lochsa giao cho thi công gói thầu CV-A2.1-NDTĐP: công trình đê bao khu đổ đất phía Bắc, thuộc cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang cùng với Hồ sơ bản vẽ thi công (kể cả bản sửa đổi), các phụ lục hợp đồng, các tài liệu khác có liên quan, các chỉ dẫn và giải thích để ông hiểu rõ và thực hiện thi công dưới sự chỉ đạo của Giám đốc điều hành dự án và Tư vấn giám sát của Chủ đầu tư. Kèm theo đó là 25 hạng mục thi công được giao. Dự toán kinh phí cho 25 hạng mục này khoảng trên 26,2 tỷ đồng. Thời gian thi công đến 28/2/2015.
Gói thầu CV-A2.1-NDTĐP: công trình đê bao khu đổ đất phía Bắc, thuộc cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang giữa các viên haro, theo thiết kế không được chèn đá.
Sau khi nhận hợp đồng, ông đã tổ chức thuê chủ yếu là thợ địa phương (thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định) thi công cho kịp tiến độ. Mặc dù đang mùa mưa bão nhưng nhóm công nhân vẫn khắc phục khó khăn, làm đêm, làm ngày nên lúc nào cũng dẫn đầu dự án về tiến độ. Tới tháng 10/2014, sau khi hoàn thành phần móng, rọ đá, đá lõi tuyến đê biển và 300m đê sông, hình thành con đê vượt cao hơn sóng biển, cũng là lúc hết mùa mưa bão. Sản lượng nhóm công nhân làm ra đã được chủ đầu tư nghiệm thu giai đoạn cho Cty Lochsa. Cũng theo ông Tắn: Lúc này, do thấy bà Ngọc có nhiều hành vi gây khó khăn, không cho nhóm tiếp tục làm nên ông đã chốt khối lượng đã hoàn thành đến hết tháng 10/2014 đồng thời vẫn trợ giúp bà Ngọc và công nhân 2 tháng sau đó (không có lương) với mục đích chỉ để bà Ngọc thanh toán nốt tiền công cho nhóm thợ.
Ngoài nhóm hạng mục ký trong hợp đồng, ông Tắn còn nhận thêm hạng mục do nhóm thầu trước đã làm dang dở và bỏ đi. Các hạng mục trong và ngoài hợp đồng do nhóm công nhân của ông thi công đều có Biên bản nghiệm thu nội bộ và được Ban điều hành của Lochsa đứng đầu là Giám đốc điều hành Đỗ Mạnh Thẩm xác nhận hoàn thành. Tổng số công nợ được ông Tắn “chốt” lại là 5.517.120.617 đồng (trong hợp đồng) và 3.600.313.602 đồng do Cty chuyển sang (ngoài hợp đồng). Đến nay, nhà thầu Lochsa còn nợ tiền công của ông Tắn và nhóm công nhân là 3.158.678.303 đồng. “Sau nhiều lần xin được thanh toán, ngày 6/1/2015, Cty Lochsa có văn bản thanh toán cho đội thi công. Tuy nhiên, sau khi chốt xong số lượng với các bộ phận liên quan của Cty thì việc tìm bà Ngọc khó như việc đi “hái sao trên trời”, ông Tắn kể.
Sau tất cả những cố gắng để đòi nợ, tiền không được trả. Ngược lại, ông Tắn bức xúc cho biết còn bị Công an huyện An Lão triệu tập đến để làm rõ “Đơn đề nghị khởi tố” về việc Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Cty Lochsa, đơn do bà Ngọc ký. Tuy nhiên, tại cơ quan CA, ông đã chứng minh tất cả công nợ còn vướng mắc với Lochsa và yêu cầu của Lochsa với công an huyện An Lão không được thực hiện.
Để tìm kiếm sự giúp đỡ, ông Tắn gửi đơn tới Ban Quản lý các dự án đường thủy. Tại Văn bản số 652/ĐT-DA2 về việc Phúc đáp đơn đề nghị của ông Lê Văn Tắn, Ban quản lý đã trả lời ông Tắn như sau: “Thỏa thuận giữa ông và Lochsa Việt Nam là thỏa thuận dân sự trên cơ sở tự nguyện của 2 bên, không có sự tham gia của Ban QLDA, do đó, chúng tôi không có vai trò giải quyết về tranh chấp công nợ giữa ông và Cty CP Lochsa Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, chúng tôi đã phối hợp để hỗ trợ ông giải quyết vấn đề này.
Trường hợp chúng tôi không thể hỗ trợ được ông như mong muốn thì ông có thể gửi đơn đề nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Tại buổi làm việc với Ban QLDA, ngoài khẳng định nội dung trên, ông Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng phòng QLDA 2, Ban quản lý các dự án công trình đường thủy cho biết: Khi ông Tắn tham gia thi công, Ban không hề biết đến việc này. Nếu đủ chứng cứ, ông Tắn có thể khởi kiện tại tòa án.
Được biết, Ban QLDA có mời Cty Lochsa và ông Tắn đến làm việc liên quan đến công nợ nêu trên. Tuy nhiên, trong các buổi làm việc, bà Ngọc không có mặt mà chỉ cho nhân viên đến với “tối hậu thư”: Đề nghị ông Tắn rút đơn bãi nại (về việc tố Lochsa quỵt tiền công của người lao động và làm sai thiết kế tại công trình: Đê bao khu đổ đất phía Bắc - Ninh Cơ) thì mới hợp tác. Do quá mong muốn được thanh toán công nợ bởi đằng sau ông còn hàng chục công nhân với hàng chục hộ gia đình khác nên ông Tắn có đơn tạm thời rút lại đơn với nội dung nêu trên nhưng tới nay, Lochsa Việt Nam chưa thanh toán công nợ cho ông Tắn. Hiện nay ông Tắn rất khó khăn khi liên hệ với Lochsa.
Ngoài việc tố cáo công nợ, ông Tắn còn tố cáo nhà thầu Lochsa Việt Nam đã thi công sai thiết kế, rút ruột công trình ước tính lên tới hơn chục tỷ đồng tại gói thầu CV-A2.1-NDTĐP: công trình đê bao khu đổ đất phía Bắc, thuộc cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang. Ban QLDA đường thủy đã có quyết định thụ lý đơn tố cáo này.
(Còn nữa)