THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:37

Dự án chồng dự án?

Ông Lâm Văn Sáu ở xã Ninh Hiệp cho biết, để thực hiện DA Trung tâm Thương mại và nhà ở thấp tầng, chính quyền địa phương sẽ  phải di chuyển bãi trông giữ xe và hàng hóa của chợ Nành đến vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 500 m; di chuyển Trường THCS Ninh Hiệp đến vị trí mới; thu hồi khoảng 2,8 ha đã được giao khoán 30 năm cho các hộ dân có hiệu lực đến tháng 4/2029. Như vậy, DA mới này đã chồng lên 3 DA đã được quy hoạch xây dựng trước đó.

Trước đó, vào ngày 14 và 15/1/2014, khi hay tin Cty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung (Cty Tuấn Dung) lấy bãi trông giữ xe và hàng hóa của chợ Nành, thậm chí được phép di chuyển cả Trường THCS Ninh Hiệp đến vị trí mới để xây dựng Trung tâm thương mại Ninh Hiệp, hàng nghìn tiểu thương tại chợ Ninh Hiệp đã bãi công phản đối. Nhiều gia đình đã cho con nghỉ học để phản đối việc chuyển trường đi nơi khác. Theo số liệu của nhà trường, có buổi học vắng đến 168 học sinh.

Phối cảnh D.A Tung tâm thương mại và nhà ở thấp tầng xã Ninh Hiệp.

Theo phản ánh của người dân xã Ninh Hiệp, việc chuyển bãi xe và trường học để xây dựng Trung tâm thương mại là đi ngược lợi ích của người dân, bởi cả xã đã có 4 chợ và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, chỉ 1.600 sạp hàng ở chợ Nành là kín chỗ, còn 3 chợ Phú Điền, Ba Za và Sơn Long đều chưa sử dụng hết tầng 1, các tầng khác bỏ trống vì dân không thuê.

Việc xóa sổ bãi xe nằm ngay sát chợ để di chuyển ra địa điểm mới cách chợ khá xa sẽ gây khó khăn, tốn kém trong vận chuyển hàng hóa và bất tiện cho việc đi lại của khách hàng.

"Ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia vừa tu sửa năm 2012 khang trang như vậy, sao lại phải phá đi, nhường chỗ cho Trung tâm thương mại mới? Trường mới được bố trí xa khu dân cư thì con em đi học rất khổ, chúng tôi đưa đón cũng vất vả hơn nhiều" - một tiểu thương bức xúc.

“DA bỗng nhiên phình ra gần 1,6 khiến tôi nghi vấn có những khuất tất”, ông Vũ Văn Thắng, người dân xã Ninh Hiệp, chia sẻ và dẫn chứng: Theo Văn bản chấp thuận chỉ định nhà đầu tư tại Quyết định số 8688/UBND-KH&ÐT của UBND TP. Hà Nội, diện tích chỉ định Cty Tuấn Dung nghiên cứu lập và thực hiện DA là 3,9 ha.

Tuy nhiên, không biết bằng cách nào, đến khi D.A được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì diện tích đất của D.A đã thay đổi thành gần 5,5 ha, trong đó, diện tích xây dựng nhà ở thấp tầng lên đến 4,9 ha, thay vì 2,8 ha theo Quyết định số 8688. Đến nay, toàn bộ diện tích sử dụng vào mục đích công cộng và diện tích ngoài ranh giới D.A đã được chuyển thành diện tích nhà ở để bán !?

Đối với 2,8 ha đất giao khoán 30 năm, ông Nguyễn Ngọc Bình, ở xã Ninh Hiệp cho hay, đầu năm 1999, UBND xã Ninh Hiệp lập phương án sản xuất kinh doanh “mô hình kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa” trên diện tích khu vườn ăn quả. Ngày 24/5/1999, UBND xã đã tiến hành đấu thầu công khai nhận quyền sử dụng đất.

Căn cứ kết quả trúng thầu, ngày 8/6/1999, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 478/QĐ-UB công nhận 8 cá nhân trúng thầu quyền sử dụng đất vườn cây ăn quả tại tại xã Ninh Hiệp. Thời gian giao thầu khoán thực hiện một chu kỳ là 30 năm, tính từ tháng 4/1999 đến tháng 4/2029.

Ông Bình bức xúc: “Địa phương bỗng nhiên giao số diện tích đất này cho doanh nghiệp làm D.A mà không hề có quyết định chấm dứt hợp đồng thầu khoán với các hộ dân, cũng không có  quyết định thu hồi đất”.

Theo phản ánh của người dân, họ không đồng thuận trong việc thực hiện DA là do chủ trương của UBND TP. Hà Nội tại Văn bản số 8688 không xuất phát từ lợi ích của nhân dân, không làm cải thiện đời sống của nhân dân xã Ninh Hiệp mà chủ yếu phục vụ lợi ích của một nhóm người.

Nên chăng, UBND TP. Hà Nội cần có những điều chỉnh D.A cho phù hợp với thực tế, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Thành Nam – Thanh Quý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh