Vẫn nhiều ý kiến trái chiều quanh Dự án sân bay quốc tế Long Thành
- Tây Y
- 21:48 - 15/05/2015
Ý tưởng có từ trước giải phóng
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Từ trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn đã bắt đầu nghiên cứu một số vị trí xung quanh thành phố Sài Gòn và chọn Long Thành - tỉnh Đồng Nai để xây dựng sân bay mới. Như vậy, việc đầu tư, xây dựng sân bay Long Thành không phải bây giờ mới được quan tâm.
Theo ông Thanh, sân bay Long Thành đã được nghiên cứu để triển khai đầu tư xây dựng qua nhiều giai đoạn, với mục tiêu chính trước mắt là hỗ trợ cho sân bay Tân Sơn Nhất và dần trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Bên cạnh đó, việc xây dựng sân bay Long Thành còn giải quyết được hạn chế tổ chức vùng trời mà sân bay Tân Sơn Nhất đang gặp phải, khai thác được tối đa năng lực phục vụ của cấu hình đường cất hạ cánh được xây dựng. Đồng thời giảm thiểu việc không gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải, các nguy cơ về an toàn hàng không cho khu vực dân cư dầy đặc của thành phố và đặc biệt là có thể đảm bảo khai thác 24/24h.
Để chứng minh cho việc cần phải xây dựng ngay sân bay Long Thành, ông Thanh cho đưa ra dẫn chứng và cho biết: “Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã chứng minh được việc tạo dựng và chuyển đổi thành công từ mô hình khai thác cảng hàng không Quốc tế, với quy mô nhỏ sang lớn đủ điều kiện thực hiện vai trò trung chuyển để đảm bảo tính cạnh tranh quốc gia”.
Phối cảnh sân bay Quốc tế Long Thành
Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc hãng Hàng không Hải Âu cũng có cùng quan điểm thông tin về việc đã có một quy hoạch sân bay trước những năm 1975, tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, song theo ông Nam thời điểm đó, quỹ đất sân bay Tân Sơn Nhất khá lớn so với đất sân bay quân sự. Đặc biệt những năm trước 1975, sân bay Tân Sơn Nhất còn nằm ngoài đô thị Sài Gòn. Ông Nam cũng đặt câu hỏi: Nếu được mở rộng nâng công suất 40-50 triệu hành khách/năm cũng chỉ đủ cho sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động trong 10 năm nữa (đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm), rồi lại quá tải, giải pháp tiếp theo sẽ là gì?
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thẳng thắn cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành là một tầm nhìn mang tính chiến lược, do đó chúng ta cần phải có tầm nhìn dài hạn cho tương lai chứ không chỉ là 5 năm, 10 năm. Không thể căn cứ vào những bức xúc hiện tại để quyết định. TS Thiên nói thêm, hiện ở Việt Nam có 2 kiểu tầm nhìn, đó là một tầm nhìn xa không thấy gì hết và một tầm nhìn chỉ thấy trước mắt không thấy lâu dài. "Sân bay Tân Sơn Nhất nằm ngay trung tâm thành phố, diện tích tuy rộng nhưng có hình thoi khiến không thể mở rộng, nếu mở rộng thì chi phí giải tỏa đền bù rất lớn và còn có thể dẫn đến xung đột đường bay”, TS Thiên khẳng định.
Vẫn còn nóng bỏng vì chưa có sự đồng thuận
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn và Khoa học Công nghệ và Quản lý Hascon cho rằng, cần phải có sự thảo luận để tìm ra sự đồng thuận trong việc xây dựng sân bay Long Thành. Việc đầu tư, xây dựng sân bay Long Thành là đúng đắn. Tuy nhiên, trong kế hoạch tiền khả thi của dự án này vẫn còn tồn tại nhiều sai sót. Ông Phúc cũng đưa ra kiến nghị, Bộ GTVT tổ chức thảo luận về những tiêu chí, điều kiện để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế. Dự báo sản lượng, hiệu quả của sân bay Long Thành cũng như tổng mức đầu tư và vốn đầu tư đối với sân bay này.
TS Trần Quang Châu, Hội trưởng Hội Khoa học và Công nghệ hàng không đồng tình với việc cần xây dựng ngay sân bay Long Thành, vì việc đó là đương nhiên, cần thiết và khẩn trương tuy là hơi muộn. Tuy nhiên theo TS Châu, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cần thông tin rõ ràng hơn vì hiện người dân, các nhà khoa học và chính bản thân mình đang thiếu thông tin.
Hội thảo về sân bay Long Thành luôn nóng
TS Trần Đình Bá bày tỏ băn khoăn rằng, Dự án sân bay Long Thành dự kiến có vốn đầu tư lớn nhất hiện nay 18.7 tỷ USD, do đó câu hỏi đặt ra là tiền ở đâu, bao lâu sẽ hoàn vốn, tác động tăng trưởng GDP lên bao nhiêu % hàng năm? Theo TS Bá, đó vẫn là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ, chưa làm rõ được, vì vậy nếu vội vàng triển khai dự án sẽ tạo ra sức ép lớn cho nền kinh tế và nếu thất bại ai sẽ gánh chịu hậu quả. Điển hình như sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đến nay vẫn đang đìu hiu...
“Có ý kiến cho rằng dự án xây dựng sân bay Long Thành chưa có nghiên cứu khả thi thì sao lại phải vội vàng. Việc xây dựng sân bay Long Thành có dẫn đến việc dẹp bỏ sân bay Tân Sơn Nhất hay không?”, PGS Nguyễn Thiện Tống, Kỹ thuật Hàng không Đại học Sydney, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa đặt câu hỏi. Theo PGS Tống, sân bay lớn phải dời xa trung tâm thành phố là không đúng và không có căn cứ thực tế vững chắc. Thực sự có đến 29 trong số 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011, chỉ cách trung tâm thành phố từ 10 km trở xuống. sân bay Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố 7 km nên ở trong nhóm này. Vì thế, việc Tân Sơn Nhất ở vị trí như hiện nay là bình thường và hợp lý như 29 sân bay lớn trên thế giới nên không vì lý do gì như tiếng ồn và an toàn để phải di chuyển sân bay ra khỏi thành phố cả. Trong khi đó Long Thành cách trung tâm thành phố trên 50 km như nhóm 8 sân bay ở xa thành phố nhất trên thế giới.