THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:07

Đột phá ngoạn mục trong công tác giảm nghèo

 

Giảm nghèo nhanh, bền vững

Theo tiêu chí HN của Trung ương, nếu trước năm 1997, toàn tỉnh có 14.662 HN, chiếm tỷ lệ 12,18%; đến cuối năm 2005, Bình Dương đã cơ bản không còn HN theo chuẩn nghèo của Trung ương và hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn 2 năm so với kế hoạch Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND đề ra giai đoạn 2001-2005. Như vậy, Bình Dương đã cơ bản thoát nghèo với mức HN dưới 200.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 250.000 đồng/ người/tháng ở khu vực thành thị. Đạt được kết quả như vậy, từ năm 1997 đến năm 2005, tổng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình giảm nghèo của tỉnh hơn 600 tỷ đồng, đã cho hàng chục lượt HN vay vốn. Nhiều nguồn vốn không lấy lãi của các đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đã hỗ trợ kịp thời cho chương trình giảm nghèo. Bình Dương xây mới hơn 3.000 căn nhà tình thương, mua bảo hiểm cho người nghèo, đào tạo nghề cho LĐNT và giải quyết việc làm cho người nghèo…

 

Thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010, với phương châm: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề…”, Bình Dương đã tiếp tục tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo.

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quy định chuẩn HN, hộ cận nghèo và chính sách bảo lưu đối với hộ vừa thoát nghèo tỉnh giai đoạn 2014-2015. Theo đó, HN ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1.000.000 đồng/người/tháng trở xuống; HN ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1.100.000 đồng/người/tháng trở xuống. Nghị quyết này cũng quy định, thực hiện bảo lưu các chính sách như HN trong thời gian 2 năm đối với hộ vừa thoát nghèo kể từ khi được công nhận thoát nghèo. Với chuẩn nghèo mới, năm 2014, toàn tỉnh còn 3.197 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,12% tổng số 284.323 hộ trên địa bàn. Phấn đấu hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh còn dưới 1%. Tỉnh Bình Dương sẽ tạo điều kiện, khuyến khích các hộ vừa xóa nghèo bền vững, trở thành hộ có thu nhập khá.

Thực hiện những chính sách riêng

Đạt được kết quả như trên, Bình Dương có những chính sách đột phá riêng để áp dụng cho chương trình mục tiêu giảm nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương.

Trong những chính sách đột phá về giảm nghèo thì có thể kể đến những chính sách thực hiện hiệu quả như: Trong thời gian qua, Bình Dương đã cấp kinh phí hàng tỷ đồng để đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, lao động nằm trong vùng quy hoạch. Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đi sâu sát với từng HN để kịp thời có giải pháp giúp đối tượng thoát nghèo. Nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách và các đoàn thể đã phát huy được tác dụng. Những đối tượng HN, học sinh, sinh viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi. Một số chính sách an sinh xã hội như: Cấp thẻ BHYT cho 100% HN, hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo. Trong 06 tháng đầu năm 2015, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đã đào tạo nghề đạt 53,6% chỉ tiêu đăng ký đầu năm (bằng 93,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Số người hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề chiếm 45,3% trong tổng số học viên học nghề, con số này cho thấy tỷ lệ lao động hưởng BHTN học nghề thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (bởi so với cùng kỳ năm ngoái con số này chiếm 80,3%).

Lớp đào tạo nghề tại trường CĐ Nghề Việt Nam - Sigapore


Hiện nay, tại Bình Dương nhiều hộ khi vừa thoát nghèo chọn mô hình làm ăn phù hợp, phát triển kinh tế gia đình, thành hộ khá như hộ ông Nguyễn Bảy Bàng sinh năm 1959 ( khu phố Tân An, Tân Đông Hiệp, Dĩ An ). Gia đình ông là một trong những tấm gương thoát nghèo bền vững, khi chính sách giảm nghèo giúp ông vượt khó vươn lên. Kể lại một thời cái nghèo đè nặng hai vai, ông Bàng bộc bạch: Vợ mất sớm, tôi  phải bỏ nghề lái xe để về nhà chăm ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, vất  vả cảnh gà trống nuôi con  không gì tả hết. Nơi đất chật người đông, không đất canh tác. Tài sản còn mỗi căn nhà lụp xụp, việc làm lại bấp bênh. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương đã vận động doanh nghiệp nhận tôi vào làm việc; đồng thời miễn giảm học phí, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho các con tôi theo học trường nghề. Niềm vui được bù đắp, đến nay, con lớn của tôi đã tốt nghiệp cao đẳng nghề và có việc làm, thu nhập ổn định. Đứa con thứ hai sắp tốt nghiệp trung cấp nghề. Thu nhập của gia đình hiện nay hơn 10 triệu đồng/tháng. Có được ngày hôm nay, tôi biết ơn lắm  những chính sách giúp dân thoát nghèo của địa phương đã tạo động lực giúp tôi vượt khó, vươn lên để lo cho các cháu học hành và có cuộc sống ổn định.

Đi đôi với sự hỗ trợ của Nhà nước thì công tác giảm nghèo ở Bình Dương đã được xã hội hóa bằng nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những HN, cận nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, giúp Bình Dương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Bình Dương trong tương lai.

Pha Lê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh