Đột phá để giảm nghèo bền vững (Bài 3)
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:56 - 26/10/2016
Bài 3:
Tạo thêm nguồn vốn giúp người dân thoát nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thay vì hỗ trợ cho không người nghèo, một số địa phương chuyển ngân sách ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội cho người nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhờ đó người nghèo vừa có “cần câu” vừa có động lực để vươn lên thoát nghèo.
Chuyển từ cho không sang cho vay có điều kiện
Một trong những điểm mới của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, hiện nay đang hỗ trợ sản xuất cho người nghèo theo 4 phương thức: Một là tập trung hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình tiền, hiện vật (cây con giống, đất, chuồng trại, phát triển các mô hình liên kết…). Hai là hỗ trợ tín dụng, đây là phương thức chủ yếu, thông qua ngân hàng chính sách xã hội. Hỗ trợ theo phương thức thứ 3 là các chính sách khuyến khích phát triển. Phương thức thứ 4 là hỗ trợ thông qua các mô hình kinh tế để nhân rộng. Tới đây không bỏ các chính sách nhưng làm thế nào để thay đổi chính sách. Chuyển đổi phương thức hỗ trợ từ cho không chuyển sang hỗ trợ cho vay, cho mượn.
Gia đình chị Pờ Lỳ De (bản Mù Cả, xã Mù Cả) nuôi lợn từ vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Thời gian qua hỗ trợ người nghèo sản xuất kết quả không được như mong muốn. Hỗ trợ hiện vật cho bà con đã tạo ra sức ỳ, không phát huy được sự tham gia của người nghèo. Người nghèo không được bàn bạc, huyện mua gà, dắt dê phát cho từng nhà… từ tính thụ động như vậy, lại làm thay người nghèo nên ý thức quan tâm của chính người nghèo về những hiện vật được hỗ trợ không cao, làm chăng hay chớ. Làm xong chu kỳ ấy lại bay biến đi, không xoay vòng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: “Chính chúng ta làm thay họ nhưng nhiều khi chúng ta không hiểu phong tục tập quán, thiên nhiên khí hậu, địa hình….đưa vào không trúng, không hiệu quả. Các mô hình chúng ta đưa xuống: mô hình năm nào, ở đâu, giải ngân xong là xong, thiếu theo dõi, quản lý để nhân rộng mô hình đó ra. Chưa có 1 chính sách nào tuyên bố bỏ, dừng mà chỉ nâng mức hỗ trợ lên. Vừa rồi mới chỉ có chính sách hỗ trợ nhà ở bỏ được: vay ưu đãi, hỗ trợ, huy động cộng đồng thì nay chỉ cho vay và huy động cộng đồng”.
Từ cho không, nay chuyển sang hỗ trợ cho người nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi sẽ giúp người dân có động lực để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ngân hàng chính sách xã hội là một trong những địa chỉ tin cậy để người nghèo được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng cho biết, hiện nay, thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuân lợi, đơn giản. Việc tổ chức giao dịch tại xã của Ngân hàng chính sách xã hội đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiện chi phí giao dịch. Mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu qủa cho từng hộ nghèo. Những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được nâng mức cho vay từ 30 triệu đồng lên mức 50 triệu đồng.
Tính đến ngày 30/9/2016, tổng dư nợ tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, với trên 6.792 nghìn hộ đang được vay vốn. Trong đó có 1,7 triệu hộ nghèo đang vay vốn tín dụng ưu đãi với dư nợ khoảng trên 38 nghìn tỷ đồng; 1,2 triệu hộ cận nghèo đang vay vốn với dư nợ trên là 29 nghìn tỷ đồng và gần 1 triệu sinh viên đang vay vốn để tham gia học tập với dư nợ trên 19 nghìn tỷ đồng; trên 2,4 triệu hộ vay vốn chương trình NS&VSMTNT với dư nợ trên 23 nghìn tỷ đồng. Các hộ vùng khó khăn, giải quyết việc làm cũng được Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ hết sức tích cực để góp phần vào công cuộc giảm nghèo và an sinh xã hội trong suốt những năm vừa qua.
Địa phương hỗ trợ ngân sách để người nghèo vay vốn
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư TƯ đã ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Tín dụng chính sách xã hội và chỉ thị đó đã đi vào cuộc sống rất rõ nét. Các cấp ủy chính quyền địa phương cũng và cuộc hết sức là quyết liệt và trong 2 năm qua thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Chính phủ cũng đã ưu tiên dành nguồn lực và bổ sung hàng năm để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 10% năm. Năm nay, Thủ tướng đã bổ sung thêm từ 8% lên 10% để hỗ trợ cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, các địa phương cũng đã dành nguồn lực để ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội.
Đưa vốn chính sách đến tận thôn bản.
Trong 2 năm qua, sau khi có Chỉ thị 40, trên 2.300 tỷ nguồn vốn địa phương đã chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội. Riêng năm 2016, Vũng Tàu đã dành 214 tỷ đồng chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội. Đến nay tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đạt trên 6.000 tỷ, trong đó tiêu biểu như Hà Nội 1.422 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh 857 tỷ đồng; Vũng Tàu 457 tỷ đồng; Khánh Hòa 161 tỷ đồng, Quảng Nam 112 tỷ đồng.... Các tỉnh khác như Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Đắk Lắk và các tỉnh ở các tỉnh nghèo cũng chuyển nguồn ngân sách sang Ngân hàng chính sách để người nghèo được vay vốn như là Hà Giang, Lai Châu, Đắk Nông cũng dành nguồn lực sang Ngân hàng chính sách xã hội.
Việc dành nguồn lực địa phương chuyển sang Ngân hàng chính sách để người nghèo vay vốn được xem là một trong những cách làm hiệu quả và sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng trong thời gian tới.
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện phương pháp quản lý tín dụng đặc thù, đó là ngân hàng ủy thác cho 1 số tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương thực hiện một số khâu trong quy trình vay vốn. Qua đó vừa giúp ngân hàng xác định đúng đối tượng chính sách, vừa đảm bảo minh bạch, dân chủ, đồng thời giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng, cũng như chi phí của người vay,…
Ưu đãi lớn nhất khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đối với người dân là vay mà không phải thế chấp tài sản. Bên cạnh đó, người dân được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục. Người dân thực hiện thủ tục vay vốn thông qua đại diện của Ngân hàng là các tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn bản. Tổ tiết kiệm vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội địa phương thành lập nhằm tập hợp những người có nhu cầu vay vốn thành tổ, các thành viên trong tổ có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau,... Với lợi thế là người sinh sống ngay tại địa phương, hơn ai hết họ hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình và nhu cầu của bà con lối xóm. Chính họ là người giúp Ngân hàng trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, sau đó tổ chức bình xét các hộ đủ tiêu chuẩn và giúp họ thực hiện toàn bộ các thủ tục. Do đó, việc vay vốn vừa đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng vừa đảm bảo thuận lợi cho người vay.
Trên cơ sở hồ sơ vay vốn do địa phương gửi lên, Ngân hàng đưa các tổ lưu động của ngân hàng về phục vụ bà con tại xã, người dân chỉ việc đến trụ sở xã để nhận tiền vay. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người vay, hàng tháng đại diện ngân hàng trực tiếp đến từng hộ dân, để thu tiền lãi, tiền gốc, người dân không mất thời gian đi lại để thanh toán. Mặt khác, đối với những trường hợp khó khăn, những trường hợp rủi ro bất khả kháng, dẫn đến nợ quá hạn, hoặc không có khả năng trả nợ, Ngân hàng còn có chính sách giãn nợ, xóa nợ theo quy định của Nhà nước.
Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đề nghị Chính phủ bố trí đủ nguồn lực, tăng trưởng tín dụng hàng năm cho Ngân hàng chính sách xã hội. Các địa phương tiếp tục dành một phần ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.