THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:51

Đột phá để giảm nghèo bền vững

 

Bài 1: Hỗ trợ mãi vẫn nghèo

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh và bền vững. Tuy nhiên, vẫn có không ít hộ nghèo dù đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước nhưng vẫn mãi nằm trong nhóm nghèo... “bền vững”.

Mong mãi trong diện nghèo “kiên cố”

Căn nhà chừng 25m2 bề bộn, ngổn ngang đồ đạc được quây bằng tre, nứa trát bùn trộn rơm rạ ở bản Pá Bông (xã Núi Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là 'tổ ấm' của 5 người trong gia đình anh Lò Văn Chơ (47 tuổi), người dân tộc Khơ Mú. Gia đình anh Chơ là hộ nghèo “kiên cố”, chưa khi nào vươn lên thoát được nghèo. Đến mảnh đất hiện tại của gia đình cũng là do anh em họ hàng cho mượn xây nhà. Gia đình thiếu thốn đủ thứ: Không nhà vệ sinh, không trâu bò hay phương tiện sản xuất, đương nhiên ti vi, điện thoại cũng không. Tài sản của gia đình chỉ là nương đồi để trồng lúa. Dù đang trong độ tuổi lao động nhưng nhiều năm nay gia đình anh Chơ vẫn trong diện hộ nghèo, nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước nhưng vẫn nghèo…

Chị Vàng Thị Tài (32 tuổi, ở xã Bản Giang, Tam Đường, Lai Châu) có chồng mất sớm. Một mình chị nuôi 3 con ăn học nên vài năm trước gia đình chị thuộc hộ nghèo. Gần đây chị mở rộng canh tác với diện tích 4.000m2 ruộng trồng lúa cộng với 1.000m2 trồng cây lâu năm. Mỗi năm chè cho thu 4 vụ, 2 tạ/vụ, mỗi năm cho thu hoạch vài chục triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình cũng thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đây là tin vui vì không còn cảnh nghèo túng, nhưng chị Tài vẫn xuýt xoa: “Địa phương cho gia đình thoát nghèo nhanh quá. Giá kể để cho các cháu lớn thêm tý nữa thì hay biết mấy. Mình vẫn mong sẽ được hỗ trợ thêm ngô giống, lợn giống, bảo hiểm như trước đây…”.

 

Gia đình anh Lò Văn Chơ, người Khơ Mú, trú tại bản Pá Bông (xã Núi Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) biết bao giờ thoát được nghèo.

 

Tương tự, chị Thiều Thị Minh, ở thôn 5, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng muốn được nghèo “dài dài” để có thêm hỗ trợ. “Ngoài mặt hỗ trợ về miễn giảm học phí cho con cái, giảm tiền điện, cho vay vốn, cấp giống sản xuất… mình còn được tham gia học nghề miễn phí. Mỗi năm mình nhận được vài đợt quà tặng vào ngày lễ tết, rồi dăm ba khóa học nghề” – chị Minh cho biết.

Trên đây là 3 trong số rất nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo và mong mãi trong diện nghèo để nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Thậm chí, có những gia đình có con đi học đại học xin được vào danh sách hộ nghèo để nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ỷ lại vì được cho không quá nhiều

Tâm lý chung của không ít hộ nghèo là nếu còn tên trong danh sách hộ nghèo, vẫn còn nhận được những hỗ trợ từ Chính phủ, nếu ra khỏi danh sách đó, lên mức cận nghèo thôi, mọi sự hỗ trợ sẽ không còn. Trong khi người cận nghèo thì có khá hơn người nghèo là mấy. Thực tế, ranh giới giữa người cận nghèo và người nghèo là quá ngắn. Đôi khi chỉ một trận ốm của một người thân trong gia đình là cận nghèo đã thành nghèo. Trong khi, chính sách hỗ trợ hộ nghèo quá nhiều so với hộ cận nghèo chỉ được hưởng ưu đãi với một vài chính sách. Chính điều này đang tạo nên tâm lý "sợ thoát nghèo” của các hộ nghèo hiện nay. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sự thiếu hợp lý trong cách hỗ trợ của Nhà nước, hỗ trợ bằng cách "cho không” đang tạo tâm lý ỷ lại cho người dân.

 

Mô hình nuôi quảng canh cải tiến cá nước ngọt cho người nghèo Tây Sơn (Bình Định).

 

Ỷ lại vào các chương trình, chính sách của người dân là có thật, nguyên nhân là do bắt nguồn từ chính sách hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo chủ yếu là chính sách hỗ trợ trực tiếp. Người trong diện nghèo được chu cấp đất ở, học tập, bảo hiểm y tế, cho vay vốn… gần đây mới có chính sách đào tạo việc làm cho người nghèo.

Là cán bộ công tác nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo trợ xã hội ở vùng cao, nơi có tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn, ông Nguyễn Quang Xuân, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội – Người có công, Sở LĐ-TB&XH Lai Châu cho rằng: “Cho không thì ai chẳng thích! Việc hỗ trợ cho không quá nhiều nên người nghèo cũng trông chờ, ỷ lại không có động lực vươn lên thoát nghèo. Vì thế, thời gian tới cần tăng cường hỗ trợ người dân có điều kiện để họ vừa có nguồn lực thoát nghèo, vừa có động lực sản xuất, chăn nuôi thay vì trông chờ, ỷ nại Nhà nước cho không như trước”.

Chị Trương Thị Thủy, thôn Giầu Cả, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ở thôn Giầu Cả có nhiều hộ nghèo "kinh niên" và chẳng bao giờ muốn thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điển hình như hộ gia đình anh Bùi Văn Chung (sinh năm 1978). Gia đình anh Chung nằm trong diện nghèo đã nhiều năm nay. Mặc dù đã được nhận rất nhiều hỗ trợ từ chính sách giảm nghèo cũng như từ các chương trình dự án nhưng vẫn chưa thoát khỏi nghèo”. Mặc dù đang trong độ tuổi lao động, gia đình nhận được khá nhiều hỗ trợ như: Hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167, hỗ trợ giống, phân bón.... Chính quyền địa phương có nhiều hỗ trợ, vừa qua, gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò giống nhưng theo đánh giá của người dân nơi đây là vẫn khó thoát nghèo.

 

Đào tạo dạy nghề cho nông dân góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

 

“Vì là hộ nghèo nên gia đình anh Chung nhận được nhiều hỗ trợ. Thậm chí, phân bón, cây giống được hỗ trợ gia đình không dùng hết còn mang đi bán vì nhà có ít đất. Chưa kể, nhà nước hỗ trợ theo kiểu có gì thì hỗ trợ cái đấy, không tìm hiểu xem người dân cần gì, mong muốn được hỗ trợ trợ gì? Nếu người dân ít đất lại hỗ trợ nhiều cây và phân bón thì họ bán bớt là điều dễ hiểu. Còn hỗ trợ con giống phải hỏi xem họ có thích chăn nuôi không, có muốn phát triển chăn nuôi không. Không nên dắt dê, dắt bò hay đưa cây giống đến tận nhà phát cho người dân khi chưa biết nhu cầu thật sự của người nghèo. Nếu họ phát triển chăn nuôi cần được trang bị những kiến thức chăn nuôi gì để vật nuôi phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao” - chị Thủy nêu vấn đề.

Cũng theo chị Thủy, một số người dân tộc thiểu số vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên không có khát vọng vươn lên thoát nghèo. Bởi nếu thiếu gạo đã có gạo cứu trợ, con đi học đã không phải lo học phí, đi khám bệnh đã có bảo hiểm miễn phí... Thậm chí, tham gia một số dự án, đi họp hay đi học nghề người dân cũng được nhận phong bì. Chính vì chính sách cho không quá nhiều mà không có những yêu cầu hay ràng buộc nên người nghèo không có ý thức vươn lên.

Một số người miền núi do lười lao động, lại thiếu kiến thức kỹ thuật sản xuất chăn nuôi nên mãi vẫn nghèo. Khi mời tham dự một số lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất lại có tâm lý tự ti, không dám ngồi lên trên, biết cũng không dám phát biểu, không biết cũng không dám hỏi. Chưa kể, một số người lại không biết quản lý tài sản, chưa biết chi tiêu hợp lý nên ngày mùa có thóc lúa, có con bò con lợn bán lấy tiền tiêu xài không biết tái đầu tư sản xuất.

(Còn nữa)

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh