CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:04

Lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đến nay 77% khối lượng công việc về xây dựng khung khổ pháp lý về chương trình giảm nghèo đã được các bộ, ngành hoàn thành. Trong đó, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành việc trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, quy chế quản lý điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia… Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trình Thủ tướng dự thảo Quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và quy định tỉ lệ vốn đối ứng địa phương để thực hiện Chương trình…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết thêm, kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho cả giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 15,14% hộ cận nghèo, trong đó tỉ lệ nghèo là 9,92% (tương ứng với hơn 2,3 triệu hộ), tỉ lệ cận nghèo là 5,22% (tương ứng với hơn 1,2 triệu hộ). Đối với các huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tương ứng ở mức trên 50% và 12,83%. Còn với các huyện nghèo theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì tỉ lệ này là 39,26% và 11,06%.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để đưa Chương trình đi vào hoạt động trong giai đoạn mới. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ hoàn thành các văn bản quy định về tiêu chí huyện, xã nghèo trước khi diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm nghèo bền vững, kể cả việc phê duyệt danh sách các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 của Ủy ban Dân tộc.

Hiện số hộ nghèo, cận nghèo (theo cách tiếp cận đa chiều) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với thực tế và quản lý tại cấp xã. Phó Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp số liệu này để cung cấp cho Bộ Tài chính phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình.

Đối với việc huy động và phân bổ nguồn lực cho chương trình giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, LĐ-TB&XH thống nhất phương án phân bổ nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo đa chiều trên cơ sở lấy tiêu chí thu nhập làm gốc. Đồng thời các bộ trên đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc lồng ghép các chương trình mục tiêu khác với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là việc xây dựng thiết chế, cơ sở hạ tầng xã hội để hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở và thông tin.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho ý kiến về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 gắn với Lễ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo”, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong 5 năm tới nhằm huy động tổng thể các nguồn lực trong và ngoài nước cho nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH thống nhất phương án phân bổ nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo; đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phương án lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. "Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động giải báo chí về công tác giảm nghèo bền vững; phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo chương trình “Nối vòng tay lớn - Vì người nghèo Việt Nam” vào cuối năm 2016"- Phó thủ tướng chỉ đạo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh