CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:34

Đồng Tháp: Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa lãi cao

 

Những năm gần đây, tận dụng mùa nước lũ tràn về, người dân một số huyện tỉnh Đồng Tháp không chỉ biết khai thác nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, mà còn triển khai thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mùa lũ, trong đó có mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa (đã thu hoạch xong) đem lại hiệu quả kinh tế rất đáng kể.

Được biết, mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng vào mùa nước nổi ở Đồng Tháp bắt đầu xuất hiện từ năm 2005, với ban đầu chỉ có 7 hộ nông dân vay vốn ngân hàng tham gia dự án nuôi, với diện tích 23 ha, đến cuối vụ thu hoạch đạt lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha. Những mùa lũ năm sau đó, số hộ nuôi tôm tăng dần lên với diện tích nuôi hàng trăm ha, sản lượng đạt hàng trăm tấn tôm thương phẩm, đem lại nguồn lợi nhuận cao.

Nhận thấy mô hình nuôi tôm càng xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại thủy sản khác, nhiều người dân bắt đầu quan tâm và triển khai thực hiện mô hình thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.

Hiện nay số hộ nông dân nuôi tôm càng xanh theo mô hình kể trên đều tăng lên mỗi năm khoảng từ 50 ha – 100 ha.

 

 

Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa sau vụ gặt lợi nhuận cao đã và đang được nhân rộng ở Đồng Tháp

 

Đặc biệt, huyện Tam Nông đã trở thành địa phương có tổng diện tích nuôi tôm càng xanh lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, với hàng ngàn ha và trở thành thủ phủ của mô hình nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Lãnh đạo UBND huyện Tam Nông cho biết, đích cuối cùng của dự án nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa vào mùa lũ là nâng diện tích lên 3.000 ha vào những năm tới, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa vào mùa nước nổi thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với giá như hiện nay, bình quân 1 tấn tôm thương phẩm, người nuôi lời trung bình khoảng 60 triệu đồng. Qua đó cho thấy, hiện nay ở địa phương chưa có trồng cây nào và nuôi con gì trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà đem lại hiệu quả cao như vậy. Mô hình nuôi tôm càng xanh đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn mùa lũ.

Qua hơn  10 năm triển khai dự án, việc nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa mùa nước nổi đã trở thành thế mạnh, là thương hiệu và là nghề bền vững để phát triển nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo ở Tam Nông nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung. Giá trị kinh tế và hiệu quả thực tế từ mô hình đã được khẳng định.

Ông Nguyễn Hiền Sĩ ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết, mùa lũ năm 2005, ông vay ngân hàng 800 triệu đồng, cải tạo 3,8 ha ruộng thả tôm càng xanh giống, sau 5 tháng nuôi, thu được 1,7 tấn, thu lợi nhuận gần 70 triệu đồng. Thấy rõ tính hiệu quả, mùa lũ năm sau, ông tiếp tục vay 1 tỷ đồng, thả giống tôm nuôi 8 ha, cuối vụ thu được 16 tấn, bán được trên 1,5 tỷ đồng, lãi trên 600 triệu đồng. Từ đó đến nay ông coi mô hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ là nguồn thu chính trong phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay con tôm càng xanh ở Đồng Tháp nói chung và huyện Tam Nông nói riêng đang thu hút nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu quan tâm tìm đến bao tiêu đầu ra. Đây thực sự là một tin vui, khích lệ người nông dân vùng nuôi tôm ở Đồng Tháp an tâm mở rộng quy mô phát triển. Đặc biệt, về nguồn giống, hiện nay một số cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh cũng đã có khả năng sản xuất tôm giống toàn đực, vừa rút ngắn thời gian nuôi, vừa dễ nuôi, ít bệnh.

Một số nông dân nuôi tôm phấn khởi cho biết, giống tôm đơn tính toàn đực có ưu điểm khỏe, người nuôi không phải thu tỉa tôm trứng, nên tôm phát triển đều, tỷ lệ tôm thương phẩm đạt loại 1 và 2 rất cao. Nhờ đó, quy trình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa mùa nước nổi ở Đồng Tháp ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn.

 

 

 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh