THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:46

Cần Thơ:

Nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động

Nhiều chính sách đến với người dân, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đã gây khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong cả nước nói chung và thành phố nói riêng thời gian qua. Vì vậy, ngành LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, trong đó nổi bật là nhiệm vụ về đào tạo lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Đặc biệt, việc thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ đến với người dân. Tính đến tháng 9/2022, thành phố Cần Thơ đã phê duyệt hỗ trợ 3.946 người sử dụng lao động, 716.798 lượt người, kinh phí trên 1.354 tỷ đồng. Đã chi hỗ trợ cho 3.946 người sử dụng lao động, 706.084 lượt người với tổng kinh phí trên 1.337 tỷ đồng, đạt 98,51% so với số lượng được duyệt.

Trao hỗ trợ cho người lao động.

Trao hỗ trợ cho người lao động.

Đối với hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động tính đến ngày 13/9/2022, thành phố đã phê duyệt 1.662 lượt doanh nghiệp hỗ trợ cho 59.869 lượt người lao động với kinh phí 31 tỷ 377,5 triệu đồng; các quận, huyện đã hoàn thành chuyển tiền cho 1.662 lượt doanh nghiệp hỗ trợ cho 59.869 lượt người lao động với kinh phí 31 tỷ 377,5 triệu đồng.

 

Bà Trần Thị Xuân Mai, GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ cho biết, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là đối với người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công. Thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp bị đứt gãy… Trước bối cảnh đó, ngành đã trợ cấp thường xuyên cho 504.141 lượt đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng, tổng kinh phí hơn 220,675 tỷ đồng; trợ cấp cho trên 71.000 lượt người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên, tổng kinh phí trên 118 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, trên địa bàn có 254 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 0,21% tương đương 782 hộ, vượt chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động, khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19, Sở đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu lao động, khôi phục thị trường lao động thành phố Cần Thơ. Sở phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp danh sách người trong độ tuổi lao động, phân loại để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm theo nhu cầu tuyển dụng, đơn đặt hàng của doanh nghiệp trên địa bàn.

Nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động

Để chủ động chuẩn bị tốt nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, giảm thiểu tối đa tỷ lệ thất nghiệp và hỗ trợ người lao động có vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đề nghị Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội giao vốn đối ứng với nguồn vốn ngân sách thành phố chuyển sang để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về việc làm của thành phố.

Hàng năm, thành phố đào tạo nghề cho hơn 20.000 người, giải quyết việc làm mới cho từ 50.000 lao động.

Hàng năm, thành phố đào tạo nghề cho hơn 20.000 người, giải quyết việc làm mới cho từ 50.000 lao động.

Trong những năm qua, thành phố luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây chính là nhân tố cơ bản, quyết định tạo thêm nhiều việc làm mới. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng cho thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Hàng năm, thành phố đào tạo nghề cho hơn 20.000 người, giải quyết việc làm mới cho từ 50.000 lao động, trong đó số lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hàng năm khoảng 3.800 lao động.

Bà Trần Thị Xuân Mai cho biết, thời gian qua, việc cho vay giải quyết việc làm tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay đến người lao động nhằm hỗ trợ cho người thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm, tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm cho người lao động; qua đó từng bước nâng cao điều kiện sống của những hộ có thu nhập thấp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã nông thôn mới, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh phát triển kinh tế  - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, thúc đẩy nhanh kết quả hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã và huyện nông thôn mới theo chuẩn nâng cao, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện đến nay, Cần Thơ đã giải ngân hết chỉ tiêu cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phân bổ bổ sung nguồn vốn này để tạo điều kiện cho người lao động có vốn để sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ trao chứng chỉ nghề cho các học viên.

Bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ trao chứng chỉ nghề cho các học viên.

Tiếp tục tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ triển khai cho vay kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách để góp phần thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách.

Theo rà sát của Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ và các sở, ban ngành liên quan, trong 2 năm (2022 - 2023), nhu cầu vốn vay các đối tượng thụ hưởng Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên 750 tỷ đồng; trong đó, nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền trên 475 tỷ đồng; nhu cầu vốn vay nhà ở xã hội là 245 tỷ đồng. Đợt 1, Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ được giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trên 159 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn được Trung ương phân bổ, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ đã giải ngân cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 805 hộ, với số tiền 40 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; 4 hộ vay vốn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, với số tiền 1,05 tỷ đồng; 17 khách hàng thuộc đối tượng vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến số tiền 260 triệu đồng; 3 cơ sở giáo dục, mầm non vay số tiền 240 triệu đồng.

Theo ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ, để đạt được kết quả nêu trên là do sự nỗ lực, chủ động thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ từ khâu rà soát đối tượng, chuẩn bị nguồn vốn vay đến khâu thực hiện các hồ sơ thủ tục vay vốn đều được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

Dự kiến đến cuối năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ sẽ tiếp tục giải ngân cho 16 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với số tiền 1,28 tỷ đồng; giải ngân cho 92 khách hàng có nhu cầu mua máy vi tính cho học sinh, sinh viên với số tiền 920 triệu đồng và 250 khách hàng được vay vốn để xây mới, cải tạo nhà ở với số tiền 105 tỷ đồng.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh