THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:55

Đồng Nai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Đồng Nai là tỉnh có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 6% dân số toàn tỉnh. Trong đó, 4 dân tộc bản địa là: Chơ Ro, Mạ, STiêng và Cơ Ho; 3 dân tộc đã sinh sống lâu đời ở Đồng Nai là: Hoa, Chăm và Khmer. Hiện nay đồng bào DTTS có lượng đông dân nhất ở Đồng Nai là dân tộc Hoa, tiếp đến là các dân tộc Nùng, Chơ Ro, Tày, Khmer, Mường, Dao, Mạ, Chăm, STiêng, Sán Dìu, Cơ Ho, Thái, Thổ, Ê Đê, Sán Chay, Ngái, Raglay, Gia Rai, Lào, Cơ Tu, Xơ Đăng, Ba Na...

Đồng bào các dân tộc sống xen kẽ rộng khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu là ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom và TX. Long Khánh. Mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, tập quán, lễ hội, phong tục... tạo nên bản sắc đặc trưng của mỗi dân tộc.

Hiện còn nhiều nơi đang gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc

Hiện còn nhiều nơi đang gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc

Hiện còn nhiều cá nhân và tổ chức đang gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là nhạc sĩ Điểu Được (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) nỗ lực sáng tác nhiều ca khúc, thường xuyên đi biểu diễn, giới thiệu ngôn ngữ, âm nhạc của người Chơro; hay già làng Hùng Văn Xứng (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) phát triển đội cồng chiêng phục vụ hoạt động du lịch của địa phương…

 

Tại xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) hiện có một nhà văn hóa dân tộc Chơro. Ông Phạm Thúc Nguyên, cán bộ văn hóa xã Lâm San cho hay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Lâm San được gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Xã đã và đang tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, phục dựng các lễ hội truyền thống, những trò chơi dân gian; đồng thời, sưu tầm những sản phẩm văn hóa vật thể… lưu giữ tại nhà văn hóa các dân tộc, phát huy trong đời sống cộng đồng.

Hằng năm trên địa bàn tỉnh luôn triển khai nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc ở hầu khắp các địa phương. Tiêu biểu như: lễ hội chùa Ông, lễ vía Đức Ông Quảng Trạch, lễ Bà Thiên Hậu, lễ Tạ Tài Phán (dân tộc Hoa); lễ hội Sayangva, Sayangvri (dân tộc Chơro); lễ hội xuống đồng (dân tộc Tày); Tết Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Sen đôn ta (dân tộc Khmer); tháng ăn chay Ramadan, lễ Haji (dân tộc Chăm); Yang Bơ nơm, Yang koi (dân tộc Mạ); lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng… Các lễ hội được duy trì tổ chức theo tinh thần vui tươi, đoàn kết, tiết kiệm, thu hút đông người dân địa phương tham gia.

Bên cạnh các phong tục quen thuộc, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai còn có nhiều phong tục, tín ngưỡng thú vị. Trong đó, nổi bật là tục thờ cúng tổ tiên của người Khmer ở Định Quán; tục gửi con, gửi họ và lễ cấp sắc của người Dao…

Sống chung với nhiều dân tộc khác, cùng với tiếng nói, chữ viết, người Khmer ở H.Định Quán hiện nay thường xuyên thực hành nhiều tập quán văn hóa của dân tộc gắn liền với những ngôi chùa theo hệ phái Nam tông. Trong đó, người Khmer vẫn giữ truyền thống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ không chỉ lúc còn sống mà cả khi họ đã mất. Biểu hiện sinh động cho truyền thống hiếu thảo ấy là có tục thờ cúng tổ tiên (lễ giỗ và lễ cúng).

Nhiều năm điền dã về Định Quán nghiên cứu phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Khmer, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Trần Minh Trí cho biết, lễ giỗ được cộng đồng Khmer tổ chức vào 100 ngày hoặc 1 năm sau ngày mất của người thân. Để làm lễ giỗ, gia đình phải mời nhà sư đến đọc kinh cầu an, cầu siêu với sự có mặt của đông đủ con cháu. Tuy nhiên, hiện nay ở H.Định Quán một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không tổ chức lễ giỗ vào dịp này mà gộp chung với lễ cúng ông bà (lễ Sen dolta) để tiết kiệm.

Bà con dân tộc tham gia các trò chơi dân gian

Bà con dân tộc tham gia các trò chơi dân gian

Trong tín ngưỡng thờ đa thần, người Dao luôn quan niệm vạn vật hữu linh. Để tránh những vận hạn gặp phải trong cuộc đời, người Dao dựa vào cách “cải mệnh” là gửi con, gửi họ (mời thầy cúng tìm một gia đình mới hoặc một dòng họ mới để “nhập khẩu” đứa trẻ vào đó). Hình thức “nhập khẩu” này chỉ thuộc về vấn đề tâm linh và là quy ước giữa hai gia đình, dòng họ, cộng đồng, không thực sự diễn ra trên giấy tờ, pháp lý.

Bà Lê Thị Ái Vân, cán bộ Phòng nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho hay, gửi con, gửi họ là phong tục đã có từ lâu đời, đến nay vẫn được nhiều gia đình người Dao ở Đồng Nai thực hành với mục đích giúp con em mình khỏe mạnh, bình an. Tùy vào mỗi phương thức gửi con, gửi họ mà các bước thực hiện và biểu hiện của nghi lễ có phần giống và khác nhau. Ngoài gửi con, gửi họ, nghi thức trả lễ cho người nhận nuôi cũng được người Dao quan tâm và xem đó là vấn đề cần thiết, bắt buộc khi đứa trẻ đi lấy chồng hoặc làm cấp sắc.

Lễ cấp sắc (hay còn gọi là Pùn Voòng) là nghi lễ đặc trưng trong nghi lễ vòng đời của người Dao, đánh dấu một giai đoạn quan trọng của đời người. Theo phong tục, tất cả nam giới người Dao (từ 7 tuổi trở lên) đều phải trải qua lễ cấp sắc thì mới được cộng đồng, thế giới thần linh thừa nhận, thành viên đó mới là người trưởng thành. Từ đây, họ được phép lập bàn thờ tổ tiên, được quyền tham gia vào các nghi lễ có tính chất cộng đồng. Đặc biệt, họ được học các nghi lễ bắt buộc để có thể tham gia vào thực hiện lễ cấp sắc cho những người khác. Hiện lễ cấp sắc vẫn được tiến hành nhưng các thủ tục thực hiện nghi lễ đã đơn giản hơn để phù hợp với điều kiện sống.

Hay lễ cúng Yang BơNơm của đồng bào dân tộc Châu Mạ. Lễ cúng Yang BơNơm (hay còn gọi là cúng thần Núi) là lễ cúng thường được tổ chức vào dịp cuối năm âm lịch, khi bà con đồng bào dân tộc Châu Mạ đã thu hoạch xong mùa màng, chuẩn bị vụ mùa mới, nhằm tạ ơn thần linh, thần Núi đã phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, thu hoạch được nhiều sản vật. Đồng thời, cầu xin một năm mới, sức khỏe, mùa màng bội thu.

Lễ hội Lồng tồng (lồng thồng, Lùng tùng…), hay còn gọi là Oóc tồng, nghĩa là xuống đồng (lồng là xuống, tồng là đồng) của đồng bào dân tộc Tày. Đây là lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới; trong lễ hội còn có lễ tạ Thành Hoàng, Thần Nông, cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc… Lễ hội Lồng tồng là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa tộc người Tày ở địa phương rất độc đáo. Sau một năm lao động vất vả, lễ hội mở ra mang lại những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau; đồng thời cũng là dịp giao lưu tình cảm giữa các cô  gái, chàng trai bằng những lời hát then sli, lượn.

Hiện, Đồng Nai đã và đang tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò người uy tín đồng bào DTTS; tập trung đầu tư, chăm lo cho đồng bào các dân tộc; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về dân tộc và miền núi. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; nỗ lực giữ gìn văn hóa, bản sắc của các dân tộc... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các DTTS.

PL (ảnh: internet)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh