THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:37

Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

Mặc dù ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi dân tộc, tuy nhiêm, thực tế cho thấy đang tồn tại xu hướng giảm số người biết viết, biết nói tiếng của dân tộc mình.

Kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019 cho thấy, hiện có 88,7% người DTTS từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng dân tộc. Tuy vậy, sau 4 năm, từ 2015 - 2019, tỷ lệ này đã giảm 7,3%, bình quân mỗi năm giảm 1,8%.

Theo nhóm tuổi, người DTTS biết nói tiếng dân tộc cũng giảm dần. Ở nhóm 65 tuổi trở lên có 92,8% nói được tiếng dân tộc; ở nhóm dưới 18 tuổi, tỷ lệ này chỉ còn 58,6%. Trong 53 DTTS, dân tộc Ngái có tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng DTTS thấp nhất 30,5%.

Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ dân tộc khá thấp, chỉ là 15,9%, so với năm 2015, tỷ lệ này đã giảm 0,9%, bình quân mỗi năm giảm 0,2%.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ, các đơn vị chuyên môn đã bổ sung các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc - tiếng phổ thông để tăng cường tủ sách cho các thư viện công cộng và các tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở. Đến nay, đã có 51 thư viện cấp tỉnh, 541 thư viện cấp huyện, 2.191 thư viện cấp xã tại các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống có đầu sách song ngữ.

Bảo tồn ngôn ngữ cũng chính là bảo tồn nền văn hóa đa dạng của các dân tộc Việt

Bảo tồn ngôn ngữ cũng chính là bảo tồn nền văn hóa đa dạng của các dân tộc Việt

Nhiều thư viện đã nỗ lực số hóa tài liệu bằng tiếng dân tộc để lưu giữ lâu dài như: Thư viện tỉnh Yên Bái đã số hóa 100% tài liệu bằng tiếng dân tộc; Thư viện tỉnh Sơn La có trên 1.000 cuốn sách bằng tiếng Thái cổ, số hóa được 23.154 trang tài liệu bằng tiếng dân tộc; thư viện dân sinh ngoài công lập tại các chùa Khmer tổ chức phục vụ tài liệu bằng tiếng dân tộc cho đồng bào Khmer các tỉnh, thành phố phía Nam…

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dân tộc trên địa bàn đã có nhiều hình thức tổ chức các hoạt động, nội dung nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS như: Khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc; Lập hồ sơ khoa học về ngôn ngữ: “Chữ Nôm của người Dao”, “Chữ Nôm của người Tày”, “Chữ viết cổ của người Thái”, “Nói lý, hát lý của người Cơ Tu” đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Nhiều tỉnh, thành phố đã có những cách thức bảo tồn hiệu quả di sản tiếng nói, chữ viết. Tỉnh Khánh Hòa mở lớp học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh Phú Thọ bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số thông qua truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian… Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đầu tư công trình nghiên cứu biên soạn bộ chữ viết tiếng Bhnong; huyện Nam Trà My sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn sách dạy và học tiếng dân tộc Cadong để đưa vào giảng dạy tại các trường học. Tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách chữ Chăm, tiến hành giao nhận Thư tịch cổ Chăm và được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh tu bổ, bồi nền, số hóa…

Nguyệt Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh