CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:15

Đồng hành, hỗ trợ học sinh qua mạng xã hội

 

Mạng xã hội facebook ngày nay đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của giới trẻ. Các em sử dụng facebook như là một phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin hữu ích trong cuộc sống và học tập, qua đó giao tiếp và tìm kiếm cơ hội để khẳng định mình. Giới trẻ cũng có thể liên kết, hợp tác với nhau qua Facebook thành các nhóm thực hiện công tác xã hội…

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích cung cấp thông tin mang tính chất cộng đồng, facebook  còn là nơi phát tán nhiều thông tin “nhảm”, nơi tiêu phí nhiều thời gian của giới trẻ nhất. Thời gian qua, việc không ít các học sinh thản nhiên lên facebook nói xấu, thậm chí là dùng những ngôn ngữ “vô học” để nói về bạn bè, thầy cô, người thân trong gia đình khiến nhiều người bất bình. Và cả những hành động vi phạm pháp luật, trái với đạo lý như: Giết hại voọc quý rồi lột da, ngồi trên mộ liệt sĩ chụp ảnh… rồi tung facebook để khoe đã bị “ném đá” kịch liệt. Thật nghịch lý khi những hình ảnh phản cảm lại có nhiều “like” của người xem, kèm theo là các dòng bình luận gây sốc, văng tục chửi thề thiếu văn hóa. Người dùng facebook sẵn sang check-in ở mọi lúc, mọi nơi thậm chí là nơi có những sự việc đáng buồn đang xảy ra như đám tang, đám cháy,… điều này dễ hình thành nên thói vô cảm của một số ít bạn trẻ.

Giới trẻ ngày càng sử dụng nhiều thời gian cho mạng xã hội.

 

Sau một thời gian tham gia, hầu hết các em đều “nghiện” facebook. Hàng ngày, thời gian dành cho facebook của những người trẻ, đặc biệt là lứa tuổi teen rất lớn, chỉ xếp sau việc học ở trường. Việc quá lãng phí thời gian facebook thay vì dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời và giúp đỡ bố mẹ càng khiến các bạn trở nên thụ động và thu hẹp giới hạn bản thân….

Theo ý kiến của các thầy cô giáo, nhà trường không thể cấm học sinh sử dụng mạng xã hội và game online vì ngoài giờ học, các em còn thời gian ở nhà. Tuy nhiên, cần phải trang bị cho giáo viên sử dụng và quản lý học sinh qua facebook bởi hiện nhiều giáo viên vẫn chưa hề tham gia facebook. Nếu không có sự giám sát chặt của giáo viên sẽ gây ra nhiều phiền toái khi học sinh sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh qua facebook sẽ giúp giáo viên và nhà trường có nhiều kênh để theo dõi học sinh hơn. Giáo viên phải nhanh chóng tiếp cận với phương pháp này và phải xem đây là nhiệm vụ, nghiệp vụ và là kỹ năng sư phạm mới mẻ nhất.

Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Dương Liễu Nguyễn Thị Hương cho biết: “Trước đây, tôi không dùng facebook nhưng rồi qua tiếp xúc với các em học sinh, tôi nhận thấy hầu hết các em đều có sử dụng mạng xã hội. Các em giao tiếp, trò chuyện, vui chơi và có cả những mâu thuẫn trên mạng xã hội. Qua việc giải quyết những mâu thuẫn của học sinh trong nhà trường, tôi nhận thấy bạo lực học đường lan nhanh như một thứ “vi rút” có sự tác động rất lớn của mạng xã hội”.

Trước thực tế đó, cô giáo Hương lập tài khoản facebook, làm bạn với các em học sinh trên thế giới ảo để kịp thời nắm bắt tình hình, định hướng những suy nghĩ lệch chuẩn của các em. Năm 2015, Liên đội trường THCS Dương Liễu phát động phong trào “sử dụng facebook sạch”. Phong trào đã thực sự tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các em học sinh về sử dụng mạng xã hội. Dù vậy, theo Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Dương Liễu, giúp các em làm chủ bản thân, sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh là việc không hề đơn giản. Bởi mạng xã hội là một thế giới phức tạp, các em còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Vì thế khi gặp những “cú sốc” từ mạng xã hội nhiều em đã không vượt qua được. “Đã có nhiều vụ tự tử của học sinh xuất phát từ những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Vì vậy tôi mong muốn Đoàn thanh niên phối hợp với các ban ngành liên quan lập trang web có sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực, đặc biệt là chuyên gia tâm lý, để khi các em gặp bất cứ chuyện gì trên mạng xã hội, các em đều có thể vào trang web này tìm sự hỗ trợ, tư vấn, tháo gỡ từ các chuyên gia. Từ đó sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc cho các em”, cô giáo Hương đề xuất.

 

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho rằng, Đoàn thanh niên, trong đó có cán bộ Đội chưa thực sự tích cực, phát huy được vai trò của mình trong việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, đuối nước. Theo ông Nam, điều đó một phần xuất phát từ việc Đoàn chưa nắm hết và chưa biết phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình để kêu gọi các cấp, ban ngành cùng đồng hành, chung tay giải quyết các vấn đề liên quan thanh thiếu nhi. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh