CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:18

Đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh đập Đồng Cam, Phú Yên

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh đập Đồng Cam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị quản lý đập và chính quyền các địa phương bảo vệ, gìn giữ lâu dài các giá trị vật chất, tinh thần của di tích.

Công trình đập Đồng Cam nằm trên sông Ba thuộc thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (phía bờ Bắc) và thôn Thành An thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (phía bờ Nam). Từ lúc hình thành ý tưởng cho đến khi hoàn thành công trình này kéo dài trong khoảng 40 năm, cong trình có chiều dài 688m, xây dựng chắn ngang sông Ba giữa hai dãy núi Trù Cát và Qui Hậu do các kỹ sư Fargues, Machefaux, Carrez chỉ huy thi công trong 8 năm (1924 - 1932). Hệ thống kênh dẫn nước phía hạ lưu đập Đồng Cam ở phía hữu ngạn dài 36km và phía tả ngạn dài 32km với hơn 2.500 hạng mục xây lắp cầu, cống.

Với quy mô xây dựng và kiến trúc độc đáo cùng với phong cảnh sơn thủy hữu tình, đập Đồng Cam không chỉ là công trình thủy lợi có giá trị thẩm mỹ và kỹ thuật cao, mà còn có tầm quan trọng về kinh tế, lịch sử và được ví như “mạch sống quê hương” Phú Yên. Khi có hệ thống thủy nông Đồng Cam, toàn bộ sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Tuy Hòa có bước phát triển nhảy vọt. Từ một vùng đồng bằng chỉ sản xuất một vụ bấp bênh trở thành một vùng đồng bằng trù phú với 2 đến 3 vụ lúa, năng suất cao, đem lại đời sống ấm no hạnh phúc cho người dân Phú Yên.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chính nhờ công trình này mà đồng bằng Tuy Hòa được ví như “dạ dày kháng chiến” của vùng tự do Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn để phá hủy hệ thống thủy nông này nhưng quân và dân Phú Yên đã anh dũng “bẻ gãy” cuộc càn quét quy mô của địch tạo nên trận Sông Ba - Trường Lạc nổi tiếng; bảo vệ vững chắc đập đầu mối Đồng Cam và các công trình xung yếu. Từ lâu, hệ thống thủy nông Đồng Cam đã được xem là “mạch sống quê hương” ăn sâu vào ký ức của người dân ở Phú Yên.

Cho đến nay, Đập Đồng Cam vẫn được xem là hình mẫu về kỹ thuật xây dựng công trình thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thế, Đập Đồng Cam là một danh lam thắng cảnh nổi bật trên sông Ba. Những yếu tố tự nhiên trên đây đã làm cho khu vực đập Đồng Cam là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hấp dẫn của Phú Yên.

Đã thành truyền thống, ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm, tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ hội Đồng Cam. Hàng nghìn cán bộ, nhân dân đến dâng hương, tham gia Lễ hội để tôn vinh, tưởng nhớ những người đã góp công sức, xương máu để xây dựng nên công trình này. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên vô cùng ý nghĩa đó, đập Đồng Cam vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh.

Đập Đồng Cam nằm trên sông Ba thuộc thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa

Đập Đồng Cam nằm trên sông Ba thuộc thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa

Nhân dịp này, Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành đập Đồng Cam) đã tổ chức lễ mở nước phục vụ tưới cho sản xuất vụ đông xuân. Năm nay, hệ thống các công trình thủy lợi do công ty quản lý bảo đảm tưới hơn 18.000ha lúa, mía, sắn cho các cánh đồng thuộc 5 huyện thị, thành phố Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, Tuy Hòa.

Công trình này vừa đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho đồng bằng lúa Tuy Hòa, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch cho người dân. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường giới thiệu giá trị di tích trên các phương tiện truyền thông, tạo nên một địa chỉ tham quan, du lịch hấp dẫn, ý nghĩa để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách gần xa.

LN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh