THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:39

Đắk Lắk: Đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột

Lễ đón nhận bằng

Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại số 17 đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1930 để giam cầm, tù chính trị, chủ yếu ở các tỉnh trung kỳ. Nhà đày có diện tích gần 2 ha, với bốn bức tường cao 4m, dày 40cm bao bọc chung quanh, bốn góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ. Nhà đày gồm sáu dãy nhà lao tập thể giam giữ tù nhân, một dãy xà lim giam giữ tù nhân chính trị mà thực dân Pháp cho rằng nguy hiểm. Ngoài ra, còn có một số hạng mục phục vụ cho việc cai trị như nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn, nhà quản ngục, bệnh xá.

Đến dự buổi lễ gồm có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thaoDu lịch, đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Đắk Lắk cùng các cựu tù chính trị, thân nhân các cựu tù chính trị từng bị bắt giam, đày tại Nhà đày Buôn Ma Thuột qua các thời kỳ chống pháp chống Mỹ.

Trong thời gian từ năm 1930 đến 1954, thực dân Pháp đã bắt, đày, giam cầm hàng nghìn cán bộ, đảng viên cộng sản, tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, trong đó có nhiều tù chính trị bị giam cầm ở đây sau này giữ những chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội như: Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh. Dù bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, tra tấn dã man, nhưng ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ yêu nước trong cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại chế độ của thực dân Pháp liên tục nổ ra. Cũng chính tại nơi đây đã hình thành các lớp học văn hóa, chính trị, quân sự cho các tù nhân. Đặc biệt cuối năm 1940 tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Đắk Lắk để lãnh đạo các tù nhân đấu tranh chống lại chế độ của thực dân Pháp. Sau khi ra tù, các đảng viên này tiếp tục gây dựng, phát triển được nhiều cơ sở cách mạng ở những đồn điền trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo các phong trào cách mạng địa phương và nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945. Từ năm 1954 đến năm 1975, đế quốc Mỹ tiếp tục sử dụng Nhà đày Buôn Ma Thuột để biệt giam, tra tấn tàn bạo các chiến sĩ yêu nước. Nhưng với niềm tin của những chiến sĩ, bằng nghị lực phi thường và lòng hy sinh quả cảm, vượt qua mọi gian lao, các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm ở đây luôn đoàn kết, chống lại chế độ lao tù tàn bạo, tổ chức nhiều cuộc vượt ngục hoặc buộc địch trả tự do, tiếp tục cống hiến, đấu tranh cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Hình ảnh trong các phòng tra tấn của nhà đay

Trải qua thời gian, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành minh chứng hùng hồn về tội ác của thực dân, đế quốc, một địa danh lịch sử, nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung. Ngày 10/7/1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặc cách xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Từ đó đến nay, Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được hai lần trùng tu vào các năm 1992, 2006 và được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử của nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đón tiếp hơn 47 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt, nhằm phát huy những giá trị của di tích, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh