Đối thoại bảo hiểm y tế với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân
- Bài thuốc hay
- 01:29 - 29/06/2017
Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện, những quy định sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tế đã đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định đó còn có những vướng mắc, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có bảo hiểm y tế mà cả đối với nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có các cơ sở y tế tư nhân. Việc đối thoại chính sách pháp luật với mong muốn các nhà quản lý lắng nghe tất cả các ý kiến của các đại diện các bệnh viện, phòng khám tư nhân, nhất là những vấn đề bất cập để nhanh chóng sửa đổi, hướng tới thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế.
Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tư nhân, năm 2017, cả nước có 444 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân từ phòng khám trở lên. Trong đó, có 292 phòng khám và 152 bệnh viện.
Tính đến hết quý I/2017, số lượt khám chữa bệnh là 4.226.854 lượt và chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 1.591 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2017, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ đạt trên 21 triệu lượt, tăng trên 30% so với năm 2016.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, chi phí bình quân một đợt khám chữa bệnh ngoại trú là 384.528 đồng, chi bình quân một đợt điều trị nội trú là 3.584.312 đồng. Trong khi đó chi phí bình quân của cả nước ngoại trú là 202.000 đồng, nội trú là 2.748.000 đồng. Đặc biệt hiện đang có tình trạng cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có biểu hiện lạm dụng và trục lợi BHYT. Một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chỉ định nhiều loại thuốc đắt tiền, chỉ định thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật (như nội soi tai mũi họng, chụp CT…) đối với người có thẻ BHYT ở nơi khác đến khám chữa bệnh nhằm thu hút người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh.
Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, một số tồn tại bất hợp lý trong việc lựa chọn mua sắm sử dụng thuốc và vật tư y tế đã phát sinh do các cơ sở khám chữa bệnh chưa thực sự chú ý quan tâm tới vấn đề chi phí hiệu quả, là một trong các nguyên nhân mất cân đối quỹ khám chữa bệnh được giao. Bên cạnh đó, một số cơ sở ngoài công lập đã tự tổ chức đấu thầu thuốc nhưng kết quả lựa chọn nhà thầu cũng có nhiều bất cập. Nhiều cơ sở không tổ chức lựa chọn nhà thầu mà mua thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu nhưng việc lựa chọn cũng không hợp lý, đa số không thông báo và phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong quá trình mua sắm; mua sắm và sử dụng biệt dược gốc với tỷ trọng cao (trên 20%) và có xu hướng chọn mua thuốc thương mại cùng hoạt chất trúng thầu nhưng giá cao.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Phạm Văn Học cho rằng cần có cái nhìn khách quan hơn giữa y tế công lập và tư nhân, khi có ý kiến đánh giá hiện tượng trục lợi bảo hiểm y tế có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong khối tư nhân. Ông Học lo ngại việc bệnh viện tư phải đối mặt với bài toán xuất toán. Theo ông Học, tổng mức thanh toán được xác định dựa theo giá trần bảo hiểm y tế. Song, cách tính giá trần của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa thống nhất, mức giá trần được quy định tại cơ sở khám chữa bệnh là không đồng đều, mặt khác việc xác định giá trần khá chậm trễ. Còn ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, một số quy định về khám chữa bệnh, thanh toán BHYT tại các bệnh viện tư nhân hiện nay đang gây khó khăn cho bệnh viện. Đơn cử như việc xếp hạng bệnh viện, hiện nay, rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chưa được xếp hạng bệnh viện, trong khi đó việc giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đang thực hiện theo hạng bệnh viện, vì vậy rất khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện… Đáng chú ý là hiện nay tiêu chí để xếp hạng bệnh viện tư nhân vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đã ký quy chế phối hợp
Tại hội nghị, các ý kiến đã làm rõ các khái niệm trục lợi, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế để tránh hiểu lầm đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế tư nhân. Hay vấn đề về quy định yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với các danh mục kỹ thuật, khiến nhiều bác sĩ dù đã được đào tạo nhưng nếu không có chứng chỉ hành nghề mà vẫn thực hiện sẽ bị cơ quan bảo hiểm xã hội xuất toán.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với mục đích tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động phối hợp giữa hai bên nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở khám, chữa bệnh là thành viên Hiệp hội trong công tác tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các thành viên Hiệp hội và của người bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, hai bên chia sẻ thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và các quy định chuyên môn về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giải quyết các vướng mắc của các cơ sở khám chữa bệnh là thành viên Hiệp hội.