THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:57

Đổi thay ở vùng cách mạng Hòn Đất

Chúng tôi theo quốc lộ 80 về hướng Rạch Giá - Hà Tiên, qua thị trấn Hòn Đất, rẽ trái 13km rồi đến Khu di tích lịch sử Hòn Đất, địa danh gắn với tên tuổi nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phan Thị Ràng (bí danh Tư Phùng, chị sinh ra tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Chị là nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết của nhà văn Anh Đức. Bên ngôi mộ chị, thắp nén tâm nhang, nhìn lên di ảnh chân dung của người phụ nữ Nam bộ hiền dịu, du khách như sống lại một thời hào hùng của những người con gái miền Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Sau ngôi mộ là những bậc thang đá dẫn lên sườn đồi, nơi dựng bức phù điêu làm bằng đá hoa cương khắc tên gần 1.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Sau khi thăm mộ chị Sứ, du khách có thể vào tham quan các hang động (núi), với vô số hốc, ngách đan xen vào nhau dùng che giấu thương binh, tích trữ nước, lương thực, làm nơi trú ẩn của lực lượng cách mạng.

images937932_Khu_di_t_ch_H_n___t

Qua tìm hiểu, được biết khách đến đây tham quan du lịch rất đông. Đến đây, bà con đi thăm mộ chị Sứ nằm trong khuôn viên giữa hai ấp Hòn Đất, giáp với hòn Me. Sau đó, du khách thường đi thăm hang Quân y, đặc biệt du khách đi lên thăm tháp truyền hình. Từ đây nhìn xuống thấy tất cả các Hòn, bao quát hết cả cánh đồng phía dưới rất là đẹp. Trên đó có các nhà trưng bày chiến tích của người dân đã chiến đấu ở Hang Hòn và du khách còn tìm mua cho mình ít đồ lưu niệm của địa phương về làm quà. Điểm nhấn tại núi Hòn Đất là khu tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hệ thống hang. Huyện Hòn Đất còn có khu trưng bày hiện vật chứng tích chiến tranh, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, các hang động ở núi Hòn Me.

Cựu chiến binh Vũ Hoàng Giang ở thị trấn Hòn Đất cho biết, huyện trước đây bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ có sản xuất thuần nông. Du lịch ở đây có khu bà Hòn, tiềm năng du lịch rất lớn. Huyện đang kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp đầu tư, sẽ làm cáp treo, làm cụm du lịch gắn liền với khu Ba hòn, Kiên Lương - Rạch Giá. Đó là những thế mạnh của Hòn Đất.

Những năm gần đây, vào dịp kỷ niệm 30/4, ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Ngày Quốc Khánh… nhiều gia đình đều đến khu dích tích Hòn Đất để tham quan và thắp hương cho chị Sứ. Mỗi lần đến đây trong lòng khách đều có những cảm nhận khác nhau nhưng cảm xúc chung vẫn là sự tự hào, lòng biết ơn của những người trẻ dành cho những người đi trước đã không tiếc máu xương ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Bây giờ đường sá về Hòn Đất đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Người dân và chính quyền huyện cũng hy vọng các tour du lịch về nguồn sẽ kích thích các làng nghề phát triển như nghề nặn nồi và nghề dệt chiếu. Theo hướng dẫn viên, chúng tôi về ấp Hòn Quéo, thị trấn Hòn Đất. Trong không gian xưa cũ, chúng tôi đã gặp những người sống bằng nghề nặn nồi đất đang chăm chỉ làm công việc của mình. Đây là làng nghề truyền thống đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, chuyên tạo ra những sản phẩm bằng đất nổi tiếng khắp vùng. Người dân cho biết, tổ của làng nghề là người Khmer, về sau người Việt đã học và phát triển thành nghề truyền thống của người Việt.  Từ xưa, nghề nặn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ, phát triển nhất vào mùa nông nhàn, được người dân làm sau khi sạ lúa xong. Sau hòa bình toàn khu vực này có đến 80% là người dân tộc Khmer. Cuộc sống nghề nghiệp của bà con là trồng xoài, và làm một số nghề thủ công như: nặn nồi, dệt chiếu. Xưa bà con vẫn còn sống được với nghề nên cố giữ nghề. Rất nhiều lao động ở Thổ Sơn phải đi làm ở tận Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn. Nghề nặn nồi, dệt chiếu ở còn rất ít nên rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để phát triển kinh tế làng nghề, ổn định đời sống cho bà con.

Cũng ở gần thị trấn Hòn Đất là làng gốm truyền thống Đầu Doi, với những nghệ nhân giỏi nghề đang tích cực gìn giữ nghề, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, nơi tạo ra những sản phẩm bằng đất nung. Theo anh Trần Văn Tuế, những năm 1980 của thế kỉ trước là giai đoạn sung túc nhất của làng gốm Đầu Doi. Vào thời điểm đó, các mặt hàng gốm gia dụng được khách hàng ưa thích nên hầu như cả làng sống bằng nghề gốm. Nhà nào cũng có từ hai đến ba lò gốm.

Nhìn lại những năm qua, đây là vùng đất chua phèn, sản xuất nông nghiệp là chính thế nhưng với những chủ trương chính sách đúng đắn cộng với tính cần cù, sáng tạo của người dân Hòn Đất đã khiến cho vùng đất này “thay da đổi thịt”. Những người nông dân “một nắng hai sương” đã đưa những mặt hàng nông sản bình dị của địa phương như hạt lúa, củ khoai thành những đặc sản vươn xa ra thế giới. Hòn Đất hôm nay đẹp không chỉ bởi núi non, biển cả mà còn đẹp bởi những trang sử hào hùng của ông cha ta đã đi vào lòng biết bao thế hệ.

Vũ Hằng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh