THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:07

Đổi thay những ốc đảo giữa đại ngàn

Một thời mông muội

 Giữa cánh rừng xơ xác màu cỏ cháy những mái nhà tôn, tranh như những dấu lặng buồn giữa đại ngàn. Hàng chục năm nay đói, nghèo đeo bám lấy cuộc sống của họ, do tập quán đồng bào nơi đây họ không muốn rời xa khỏi rừng nên không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn “đói nghèo”.  Họ thiếu thông tin hiểu biết chỉ bám rừng để sống, không ra nơi ở mới theo quy hoạch của chính quyền

Con đường đất đỏ, gồ ghề, từ trung tâm huyện Ea Súp vào thôn Bình Lợi (xã Cư Mlan) gần 30 km. Mỗi nhà trên một quả đồi, màn đêm buông xuống nơi đây chìm trong sự hoang vu, tĩnh mịch. Lách qua mấy mô đất lởm chởm, theo chân anh Bế Văn Long, trưởng thôn Bình Lợi, vào căn nhà lụp xụp ven đường, trong ánh đèn dầu mờ ảo, chẳng có gì đáng giá ngoài những dụng cụ sinh hoạt thô sơ.  Anh Nông Văn Thung (39 tuổi) đang mò mẫn đào sắn: “Chúng tôi vào đây từ thời rừng còn hoang vu, rậm rạp,  giữa núi cao và mây mù, cuộc sống hằng ngày “săn bắt hái lượm, làm rẫy” thế thôi. Nơi chúng tôi ở được mệnh danh nơi ở của những người hoang."- anh Thung chia sẻ.

Một góc làng Mông ở khu định cư mới

  Anh Long tâm sự: “Năm 2003, bà con miền núi phía Bắc chủ yếu là dân tộc Mông, Dao di cư vào đây. Lúc đầu chỉ vài hộ, sau đó đông lên thành thôn. Bà con rất siêng năng, họ làm quần quật suốt ngày, có khi 9,10 giờ đêm vẫn miệt mài ngoài rẫy với củ sắn, củ khoai. Nông sản chất lên thành đống lớn, đến nỗi tư thương phải tìm cách làm đường cho công nông len vào mua để kiếm lời. Thế là nơi đây có đường rộng để đi".

Chẳng ai có nổi giấy tờ tùy thân nên người dân thôn Bình Lợi suốt ngày chỉ biết ru rú trong làng. Mỗi lần ra phố thị hay đi xa với họ là nỗi lo lắng. Nhiều phụ nữ ở thôn lấy chồng từ năm 16, 17 tuổi, chỉ biết mỗi việc lên rẫy và đẻ. Chuyện đăng ký kết hôn là ước mơ đeo đẳng mấy chục năm nay. Có người 5,6 đứa con vẫn mong một ngày được treo tờ đăng ký kết hôn ngay giữa nhà mình.

Đến sinh nở và học hành 

Con đường dốc đỏ bụi mù trong nắng cháy buổi trưa dẫn chúng tôi đến xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, những bờ rào gỗ chắc chắn, những nếp nhà ván bé tẹo hiện lên ở cuối con đường, quần áo sặc sỡ của đồng bào phía bắc vắt lên cây sào tạm bợ. 1 con cá trích kho mặn, chén muối ớt to đặt giữa mâm là bữa ăn thịnh soạn cho cả gia đình 7 người. Anh Sùng A Chải (35 tuổi) cho biết: “Đến vùng đất mới mong có cái ăn cái mặc cho bầy con, việc cho con đi học cũng rất khó khăn vì nghèo quá”.

Chị Hoàng Thị Châm, cán bộ dân số xã Cư Kbang lắc đầu: “Toàn xã trên 2000 hộ dân, gần 100 % là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Cuộc sống khó khăn, đông con, họ luôn trông chờ vào trợ cấp của chính quyền địa phương. Ở đây tình trạng tảo hôn, đông con đang là vấn đề nhức nhối”.

Rời xã Cư Kbang, cái nắng gay gắt nóng rát hắt thẳng vào mặt. Ông Hoàng Chứ Páo, trưởng buôn Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) chỉ ra xa “ngôi làng ở phía trước mắt”, chúng tôi cuốc bộ băng qua con suối đi thêm 3km thì tới nơi. Những đứa trẻ lem luốc nô đùa bụi tung vàng khè cả không trung, thấy người lạ chúng ngơ ngác, những cái đầu cháy nắng chụm lại xì xào điều gì đó với nhau, chạy ùa vào nhà đóng cửa kín mít. Ông Páo cho hay: “Trẻ con ở đây rất đáng thương, tờ mờ sáng, bố mẹ chúng đã lên rừng làm rẫy, dọn đất để tỉa bắp, trồng mì. Bỏ lại trong làng những đứa trẻ tự lo cho nhau, đói thì tự kiếm cơm nguội ăn, khát thì tự kiếm nước uống”.

Một khoảng rừng ở buôn Mông

Buôn Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar có 155 hộ và 817 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào Mông di cư phía Bắc vào từ năm 1999 đến nay. Việc sinh đẻ tại nhà là  tập tục của dân tộc Mông. Lại  nằm trong rừng, cuộc sống nghèo khổ không có điều kiện đến bệnh viện sinh.

Chị Hà Thị Chang (SN 1992) và anh Vàng A Chức (SN 1989) kết hôn  được gần 7 năm, có 3 con đều sinh tại nhà. Chị Chang cho biết: “Gia đình có hơn 1 ha trồng hoa màu, mỗi năm thu được 10- 15 triệu đồng, chỉ đủ ăn. Vẫn biết sinh ở nhà là nguy hiểm. Nhưng đến bệnh viện hay trạm y tế thì không có tiền. Tôi cũng dễ đẻ, đứa đầu mẹ và chồng cùng đỡ, những lần sau do đã có kinh nghiệm nên chồng tôi đảm đương luôn “nhiệm vụ” này.

Trong căn nhà tranh vách nứa, Chị Hoàng Thị Chắn (xã Cư Kbang, Ea Súp) chỉ tay phía cuối giường, bé gái chừng 5,6 tháng tuổi đang ngủ ngon lành rồi kể:  "Đứa này tôi đẻ ngoài đường, hôm đi huyện về, đường xóc quá, nó trong bụng rơi ra, người đi đường đưa vào trạm y tế gần đó. Ở đây bà con chủ yếu đẻ tại nhà, đi bệnh viện tốn kém”. Chồng chị Chắn gãi đầu ngượng ngùng: 4 đứa con mình đều đẻ tại nhà, một tay mình đỡ, ông bà có kinh nghiệm truyền nghề cho mình.

Một ngôi nhà của đồng bào xã Cư Kbang

 

         Cuộc sống cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai, bà con vẫn còn ý nghĩ lên rẫy mới có cái ăn, học nhiều chẳng được gì nên hầu hết học sinh ở đây ít được học cao. Em Thào Thị Lá (buôn Mông, xã Ea Kiết, học sinh lớp 7G, trường THCS Hoàng Văn Thụ) tâm sự: "Ở làng này, chỉ có ba lớp: mầm non, lớp 1, 2 của phân hiệu trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi. Lớp 3, 4, 5 cách làng 10 km. Em học buổi chiều, nhưng 9 giờ sáng bắt đầu đi vì đường đến trường phải lội qua vài con suối. Mùa nắng còn dễ chứ mùa mưa lầy lội, nước suối dâng cao phải nghỉ học. Nhiều bạn bố mẹ chúng bảo: "Học cũng không ra khỏi cái núi này. Chỉ có lúa, ngô mới làm no cái bụng".

Mặt trời khuất sau chân núi, đoàn người trong buôn Mông lũ lượt đi làm về, anh Lý Văn Tịnh (40 tuổi) bố của 5 đứa trẻ nói tiếng kinh chưa rành: Gia đình di cư từ tỉnh Cao Bằng vào đây đã nhiều mùa rẫy, con đông, đất bạc màu nên bữa đói nhiều hơn bữa no. Hỏi sao không ra khu tái định cư cho bớt khổ, chị Sùng Thị Nông (vợ anh Tịnh) xen ngang tỏ vẻ khó chịu: "Ở đây đói còn lên rừng bẫy chim, hái măng kiếm sống, chuyển ra làng ngoài xa rừng biết lấy gì ăn. Cán bộ cũng nhiều lần khuyên ra ngoài cho con cháu biết cái chữ nhưng bụng đói có chữ cũng bằng không".

Ông Trương Văn Chỉ, Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho biết: Chủ trương của huyện là quyết tâm vận động hết số hộ dân còn lại ra khu định cư theo quy hoạch. Để hỗ trợ bà con, huyện đã trích ngân sách thuê xe vận chuyển nhà cửa, dựng nhà và hỗ trợ gạo ăn ổn định cuộc sống ban đầu. Hiện nay vẫn còn nhiều hạng mục công trình chưa được Trung ương cấp vốn đầu tư xây dựng như: đường giao thông, cầu cống từ khu định cư vào nương rẫy bà con ở làng trong… khiến nhiều hộ chưa yên tâm di dời.

 

Năm 2011 thôn Bình Lợi được thành lập, với tổng số 243 hộ, 991 khẩu. Từ năm 2012 đến nay không còn tình trạng di dân tự do vào đây. Năm 2014, huyện đoàn Ea Súp xây 6 phòng học từ mẫu giáo đến lớp 5, cho con em được đến trường, tiếp cận với xã hội văn minh, về phiên dịch cho bố mẹ.

 

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, từ năm 1976 đến nay đã có 59.539 hộ với 289.973 khẩu của 60 tỉnh, thành trong cả nước di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Lắk, cư trú trên 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, bình quân mỗi năm có 1.526 hộ dân di cư ngoài kế hoạch đến. Giai đoạn 2005 đến nay, dân di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Lắk chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc như Mông, Tày, Nùng, Dao… chiếm 96% số hộ (riêng dân tộc Mông chiếm 84%), chủ yếu tập trung ở huyện Ea Súp, chiếm 47% tổng dân di cư đến. Hết năm 2015 tỉnh đã sắp xếp được 1.499 hộ, bố trí tại 10 điểm dân cư. 

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh