THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:54

Tây Nguyên: Lộc trời nguy cơ bị tận diệt

 

Chim bày bán đọc đường

  Trước đây cảnh bán chim lưu động diễn ra công khai, nhưng nay cũng có phần dè dặt hơn, do lực lượng quản lý trật tự đô thị hàng ngày rảo quanh các đường phố. Nhưng hiện nay, khi đến các ngã tư giao nhau có trụ đèn hoặc dạo một vòng quanh từ các ngã đường vào trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thỉnh thoảng vẫn bắt gặp cảnh mời chào khách chim to, chim nhỏ, con bay trên rừng, con lội dưới nước, con chui trong bụi, con treo lồng kiểng, con thả phóng sinh, con làm mồi nhậu… loại nào cũng có. Bày bán nhiều nhất là mỏ nhát, le le, chích bông, gà rừng, chào mào, cu gáy, khướu, két (kơ tia), đa đa, cuốc, cò, bìm bịp,…

Chim mỏ nhát bị buộc thành từng chùm bỏ túi ni long

          Tại ngã tư đường Nguyễn Tất Thành – A Ma Jhao (đoạn gần siêu thị co-op mart - thành phố Buôn Ma Thuột) cảnh bán chim lưu động diễn ra chớp nhoáng, loáng cái đã bán sạch. “Em ơi mua chim mỏ nhát về nấu cháo ăn đi. Chim trời bẫy được, tuy nhỏ, nhưng ăn không bị thuốc men hóa chất độc hại, thịt thơm ngon lắm, chị bán 40.000 đồng/con, mua cả chùm (10 con) thì chị lấy rẻ 350.000 đồng thôi, mua sáo và chích bông về nuôi hót hay lắm”. Thấy tôi hỏi giá cả từng loại: chị tiếp tục mời mua gà rừng 300.000đồng/con, chim chích bông 20.000đồng/con, chim sáo 90.000đồng/con. Tương tự trên đường Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ, đường đi Quốc lộ 14 đoạn qua xã Cuôr Đăng (huyện Cư Mgar), thị xã Buôn Hồ… nạn mua bán chim trời diễn ra khá nhanh chóng.

Thâm nhập vào giới “nhậu chim” sẽ được chứng kiến những cách chế biến “độc” của những thực khách này. Cu bằm xào xúc bánh tráng, nướng sả ớt, cò sáo măng,  sẻ rô ti, cuốc chiên vàng. Rồi được nếm rượu tiết chim sẻ được cho là “tráng dương, bổ thận, chồng uống vợ khen” thì coi như chưa phải dân sành sỏi.

 Trong một buổi cà phê sáng anh N.H.Nam, chủ doanh nghiệp tư nhân tâm sự: “Tối qua tớ đi tiếp khách, hên quá chổ quán có vài loại chim độc để thiết đãi khách, vì đối tác của mình là giới sành nhậu”. “Ngày xưa mà có thịt thú rừng đã là sang lắm rồi, nhưng bây giờ thì thường lắm, vì toàn đồ nuôi. Đặc sản của giới sành nhậu bây giờ là chim trời”- anh Nam nói tiếp.

Con chim sáo và chích bông bỏ trong bao lưới.

 

Bán gà rừng ngay trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành

 Một ngày theo chân thợ bẫy

 Một ngày cuối tuần, tôi cũng có cơ hội được chứng kiến, sau nhiều lần thuyết phục Em Y Lá K’Tla cho theo, chúng tôi vượt hơn 50 km trên 1 chiếc xe máy, về một xã xa của huyện Cư M’gar săn két. Y Lá chọn vị trí cắm sào, căng lưới ở đoạn tiếp giáp giữa vườn bắp và một hàng cây. Lưới bẫy chim tùy chon chiều dài và độ rộng. Con chim mồi được cột chân buộc vào một cành cây sát vườn bắp, phía sau lưới là loa có sẵn file ghi âm tiếng két kêu được mở với âm lượng tối đa, hai chú két mồi thi nhau “két, két, két” gọi bầy. Từ xa đã bắt đầu nghe tiếng chim rừng đáp trả. Chúng tôi nắp trong bụi kín đáo, Lá tâm sự: “Mấy năm trước đến mùa bắp đàn két kéo về đen trời kêu nghe nhức cả tai, nay bị bắt hết rồi nên dùng chim nhử và loa phát tiếng kêu gọi cũng không được bao nhiêu con”. Lá luyên thuyên hàng giờ về bí quyết để bắt chim và nói thêm: “Anh thấy đấy, ngày trước đi qua cánh đồng lúa vừa gặt, cò trắng cả cánh đồng, nay không những cò, mà mõ nhát, le le, sáo…cũng không có mà bắt”.

Qua câu chuyện, tôi mới biết, ở các xã của huyện Ea Súp đến xã Ea Bông, huyện Krông Ana, rồi huyện Krông Bông, huyện Lắk, nơi có những cánh đồng đàn cò bay thẳng cánh, trước đây có nhiều chim le le, chim mỏ nhát…giờ đi ngang qua chỉ thấy thưa thớt vài con. Họ hiểu tập tính sinh hoạt, địa bàn cư trú của từng loài một. Các tay bẫy bây giờ ít dùng bẫy lồng, bẫy sập vì kém hiệu quả, họ thường dùng bẫy lưới, bẫy keo với sự hỗ trợ của các thiết bị thu phát âm thanh hiện đại để dụ chim về. Chim bẫy sau khi gom lại sẽ được phân loại và định giá, con nào tốt mã hót hay, thì bán cho giới chuyên nuôi chim cảnh, chim rẻ tiền thì bán cho các điểm cung cấp chim phóng sinh, chim bổ dưỡng thơm ngon thì bán cho nhà hàng, quán nhậu.

Dù nghề chính là thợ mộc, tiện, nhưng trong những ngày nhàn rỗi, em B (ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) vẫn thường rong ruổi đi bẫy chim cu, sẻ nhậu chơi và kiếm thêm thu nhập. Bảo bối hành nghề của B là những hộp keo dính có xuất xứ từ Trung Quốc và chế thêm dụng cụ cùng với chiếc loa phát ra tiếng kêu là có thể tha hồ kiếm cơm. Không vất vả như bẫy các loài chim khác, bẫy chim sẻ chỉ quanh quẩn trong thành phố vẫn có ăn. Dịp rằm tháng 7 vừa rồi, B kiếm được kha khá nhờ bán chim phóng sinh. “Bẫy chim sẻ giờ khó rồi, chim ít lại nhát người. Mỗi nơi chỉ bắt được một vài lần là bị chúng biết ngay, lần sau quay lại khó mà bẫy được”- em B thừa nhận.  

 

Ông Đỗ Ngọc Dũng, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Công tác bảo tồn thiên nhiên đã được chú trọng, tất cả các trường hợp vận chuyển, mua, bán, khai thác vi phạm pháp luật, nếu phát hiện đều bị xử lý theo qui định, nếu ai biết thông tin báo ngay cho lực lượng kiểm lâm trực tiếp xử lý. Trước tình trạng mua bán chim trời vẫn diễn ra trên đường phố. Hạt Kiểm lâm thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm tra để xử lý nhưng việc xử lý chưa hiệu quả".

Lê Nhuận-Ngọc Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh