Đổi mới giáo dục: 'Không phải có điều này điều kia mà xa rời xu thế của thế giới'
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:30 - 02/08/2018
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 – 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới sáng 2/8 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của ngành GD&ĐT trong năm qua để có những bước đi hiệu quả trong việc triển khai công tác đổi mới giáo dục. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ GD&ĐT cần kiên trì với lộ trình đổi mới, đồng thời khắc phục hiệu quả những bất cập xảy ra trong quá trình triển khai, cởi mở, minh bạch, cầu thị mới tạo ra được sự đồng thuận của xã hội về những quyết sách của ngành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Chỉ ra trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng cho rằng, những gì đã tốt cần phát huy, những gì thiếu sót cần cầu thị. Trước hết cần đột phá đổi mới về quản lý trong giáo dục. Đổi mới giáo dục phải có lộ trình, không thể ngày một ngày hai, phải đặt trong bối cảnh thực tế. Khi có một giải pháp có thể lợi mặt này, hại mặt kia, nên chúng ta phải tính toán, cân nhắc. Đổi mới nhất định phải kiên định theo xu thế thế giới, không thể vì trong quá trình đổi mới có điều này điều kia mà xa rời xu thế của thế giới.
“Năm học này ngành giáo dục phát phát động phong trào thi đua trong các thầy cô. Nguyên tắc ai vi phạm thì ra khỏi ngành. Một người ra khỏi ngành là ảnh hưởng đến cả gia đình họ nhưng vì tương lai con em chúng ta, phải làm kiên quyết việc này. Cần thẳng thắn nhìn rõ, phần lớn những bất cập, tiêu cực trong giáo dục lại xuất phát từ cán bộ giáo dục, các thầy cô giáo. Hơn 1 triệu giáo viên có vai trò quan trọng trong công tác đổi mới giáo dục, đặc biệt là công tác chống tiêu cực, gian lận và chỉ có thể quét sạch tiêu cực khi các giáo viên phải trong sạch, gương mẫu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương quan tâm đến đội ngũ giáo viên, việc sắp xếp phải theo từng đặc thù của địa phương, không tính trên tổng biên chế. Việc tinh giản cũng không nên máy móc mà thực hiện cần có lộ trình, chủ yếu tập trung vào những biên chế gián tiếp, tránh tình trạng giáo viên dạy chéo môn hoặc điều chuyển từ THCS xuống tiểu học hoặc mầm non...
Quang cảnh hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng, giáo dục được toàn dân quan tâm, nhân dân hiếu học, nên nhiều ý kiến góp ý, ngành giáo dục cần coi đó là điều may mắn. “Chính phủ chỉ đạo làm luật, nghị định, thông tư đều đưa lên mạng để lấy ý kiến, nhưng rất ít ý kiến góp ý, chỉ đến khi thực hiện, vướng thì mới có ý kiến góp ý. Nhưng với giáo dục lại khác, ngay từ khi đăng tải, thậm chí chưa đăng tải thì đã có nhiều ý kiến đóng góp. Các ý kiến có góc độ khác nhau, thậm chí trái ngược, nhưng mỗi ý kiến đều có lý của họ. Vì thế, ngành giáo dục cần tiếp thu có chọn lọc, những gì không tiếp thu cần có giải trình để xã hội hiểu. Không có giải pháp nào là hoàn hảo, chúng ta chọn giải pháp tối ưu nhất”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, cơ sở vật chất cần được quan tâm, trong đó có vấn đề nhà vệ sinh. Các trường đừng ngại mà giấu hiện trạng nhà vệ sinh mà nên công khai để có thể kêu gọi địa phương, cộng đồng hỗ trợ cải thiện nhà vệ sinh cho học sinh, không để học sinh phải “nhịn” vì sợ nhà vệ sinh. Nhưng muốn nhà vệ sinh sạch, nhà trường, thầy cô phải hướng dẫn học sinh giữ gìn vệ sinh. Bởi nhiều nơi trường lớp khang trang nhưng trần nhà đầy mạng nhện, nhà vệ sinh buổi sáng thì sạch nhưng đến trưa là rất bẩn.
Phó Thủ tướng mong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh lớp học, vườn trường... Về phía đội ngũ giáo viên phải thật sự gương mẫu, nếu vi phạm nhất định phải ra khỏi ngành, không để làm ảnh hưởng các thế hệ học trò. Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, phụ huynh, học sinh.