THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:38

Đổi mới Festival Huế bằng….“Ngày hội Áo dài Huế”

Đổi mới Festival Huế bằng….“Ngày hội Áo dài Huế” - Ảnh 1.

Áo dài đã xuất hiện nhiều lần tại các kỳ Festival Huế nhưng sẽ có nhiều khác lạ tại kỳ lễ hội lần thứ 11?

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Festival Huế lần thứ 11 năm 2020 đã không thể diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu. Trước đó, Ban tổ chức lễ hội dự kiến sự kiện diễn ra từ ngày 1/4 đến ngày 6/4 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới.

Tháng 2/2020, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định lùi thời điểm tổ chức Festival Huế vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Theo đó, Festival Huế 2020 vẫn duy trì chủ đề, nội dung, thời lượng tổ chức (6 ngày đêm), diễn ra đúng vào dịp lễ Quốc khánh 2020, điều kiện thuận lợi để thu hút được nhiều du khách đến với lễ hội. Thời gian khai mạc chính thức vào lúc 20h00 ngày 28/8, bế mạc vào lúc 20 giờ 00 ngày 2/9/2020.

Tại cuộc họp diễn ra vào chiều 21/4/2020, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trưởng BTC Festival Huế 2020 chính thức khẳng định, đề án "Ngày hội Áo dài Huế" là nội dung quan trọng của festival Huế 2020, là cơ sở xây dựng đề án Huế Kinh đô áo dài.

Cũng tại cuộc họp chiều 21/4, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, mục tiêu của đề án "Ngày hội Áo dài Huế" nhằm đổi mới hoạt động Festival Huế theo hướng tăng cường tổ chức các chương trình nghệ thuật, quảng diễn mang tính cộng đồng,... Đặc biệt là đưa hoạt động "Ngày hội áo dài Huế" trở thành hoạt động thường niên trong 4 mùa lễ hội, nhất là tạo điểm nhấn tại các kỳ Festival.

Theo ông Hải, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công lớn trong việc khai sáng áo dài Huế. Huế có thể xem như là quê hương của áo dài. Trong thế kỷ 20, trước năm 1945 thì gần như mọi người Huế đều mặc áo dài. Phụ nữ Huế còn mặc áo dài đi chợ, đàn ông mặc áo dài tại các nghi lễ. Do đó, áo dài là một trong những di sản quý của Huế, đề án này nhằm mục đích giữ gìn những di sản của Huế", ông Phan Thanh Hải cho biết thêm.

Còn Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế thì đánh giá, Huế là một trong những nơi mà các nhà thiết kế áo dài, may áo dài truyền thống rất nhiều. Cần thành lập một hiệp hội những người may, sưu tầm, lưu giữ áo dài, quy tụ những người thợ may giỏi. Tỉnh cũng cần kết nối những người có công trong phục dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa áo dài Huế. Đồng thời đề xuất cần xây dựng trung tâm lễ phục truyền thống để phát huy giá trị đặc trưng của áo dài Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, áo dài Huế đang dần được hồi sinh với diện mạo mới của một "Thuở vàng son" qua các lễ hội áo dài Huế gắn với Festival Huế. Qua đó đã đánh thức vẻ đẹp kiêu sa, đài các của phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung. Do đó, đề án "Ngày hội Áo dài Huế" nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế. Đây là nội dung quan trọng của Festival Huế 2020, là cơ sở xây dựng đề án Huế Kinh đô áo dài.

Ông Thọ cho biết thêm, qua nhiều lần góp ý của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa, nhà thiết kế và các chuyên gia, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã hoàn thành đề án rất cơ bản.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh