CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:23

Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước: Trước hết, cần đổi mới yếu tố con người.

 Những rào cản làm chậm tiến trình phát triển của DNNN

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của DNNN trong nền kinh tế bởi vì ngoài nhiệm vụ chính trị - xã hội thì DNNN còn phải tham gia sản suất kinh doanh như bao thành phần kinh tế khác. Có thời kỳ các tập đoàn, DNNN được ví như là những quả đấm thép của nền kinh tế. Tuy nhiên, có những yếu tố mà nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì cơ chế quản lý như hiện nay thì sẽ làm chậm quá trình phát triển của các DNNN, nói cách khác chúng chính là những rào cản đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập ngày nay. Nhìn chung, có hai cơ chế làm DNNN chậm phát triển đó là cơ chế sở hữu và cơ chế quản lý, điều hành.

Sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế ngày nay đã qua rồi thời kỳ bao cấp. Lâu nay, DNNN do vốn là từ tài sản công chứ không phải là của một cá nhân nào cả, nên việc thể hiện trách nhiệm làm chủ đôi khi cũng có phần hạn chế hay nói như dân gian thì cha chung không ai khóc. Tại những tập đoàn, DNNN thì công việc làm vai trò đại diện phần vốn chủ sở hữu của Nhà nước cũng là một công việc như bao nhiêu công việc khác, nên thường mang tính nhiệm kỳ. Cứ sau vài năm, DNNN lại có những người chủ mới. Điều này khiến cho những người đại diện cho phần vốn Nhà nước không thể có được đầy đủ những kiến thức, kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp và thị trường như những người chủ doanh nghiệp tư nhân.

Cũng do chính cơ chế sở hữu như trên mà cơ chế quản lý, quản trị cũng có sự khác biệt giữa DNNN với doanh nghiệp tư nhân. Điểm khác biệt cơ bản trong cấu trúc quản trị của DNNN có thể kể đến đó là bộ máy lãnh đạo. Kế đến, các chiến lược và kế hoạch kinh doanh của DNNN để được triển khai thực thi, ngoài việc cần phải được hội đồng thành viên phê duyệt như các doanh nghiệp tư nhân, còn cần phải được sư phê chuẩn về mặt chủ trương, chính sách. Ngoài ra, còn những rào cản khác như quản lý, bổ nhiệm, luân chuyển nhân sự, … cũng góp phần rất lớn làm cho DNNN kém phát triển, kém năng động hơn thậm chí là thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng, cụ thể như trường hợp của các tập đoàn PVN, Vinashin, … Việc thua lỗ và thất thoát số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách Nhà nước tại các tập đoàn, DNNN là do sự yếu kém trong quản lý, điều hành, quản trị của người đứng đầu tập đoàn cộng với thói quen “xin-cho” hay “trách nhiệm tập thể” vẫn còn tồn tại trong tư duy của họ. Lâu nay ta hay nhận thấy việc bổ nhiệm nhân sự của các DNNN còn mang nặng “yếu tố người nhà” mà rất ít trường hợp phải qua thi tuyển. Điều đó cho thấy rằng quan niệm con ông cháu cha vẫn đang tồn tại mà lẽ ra nó không được phép tồn tại trong một xã hội văn minh.

Vai trò yếu tố con người trong xây dựng và phát triển tại các DNNN

Trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ phát triển rất nhanh, toàn cầu hóa trở thành xu thế tất yếu, kinh tế tri thức trở thành một đặc trưng của nền kinh tế, thì vai trò và vị trí trung tâm của con người trong quá trình phát triển đã được khẳng định. Để xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững cần hội đủ năm yếu tố. Đó là vốn, khoa học - công nghệ, con người, cơ cấu kinh tế, thể chế chính trị và quản lý nhà nước. Trong đó, con người là yếu tố đóng vai trò quyết định. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Vô luận việc gì đều do con người làm ra cả”. Thật vậy, con người là nhân vật trung tâm của xã hội, là chủ thể sáng tạo ra mọi giá trị vật chất - tinh thần để phục vụ cho đời sống xã hội. Trong mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh tế không thể thiếu đi nhân tố con người.

Nói đến nhân tố con người là nói đến những phẩm chất, đạo đức, tri thức, kinh nghiệm, năng lực,… của con người mà qua đó nó tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của nền kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, con người đã đạt tới một trình độ nhận thức mới về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và phát triển con người. Trong đó, phát triển con người được xem là thước đo sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho bộ máy quản lý ở các tập đoàn, DNNN cần phải được xem là là một bước đột phá chiến lược; là lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho sự phát triển, hiệu quả và bền vững. Hội nhập kinh tế quốc tế nghĩa là chúng ta đang tiến vào nền kinh tế tri thức, trong đó khoa học công nghệ đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp. Vì vậy, nguồn nhân lực tại các tập đoàn, DNNN nếu không được đào tạo tốt sẽ không thích nghi với những biến động của thị trường, làm giảm sức cạnh tranh và kìm hãm sự phát triển.

Tóm lại, để cho các tập đoàn, DNNN thực sự năng động, phát triển và hội nhập được thì cần phải đổi mới nhiều yếu tố và nhiều giải pháp đồng bộ, kể cả tái cơ cấu toàn bộ bộ máy điều hành nếu cần thiết. Người đứng đầu tập đoàn, DNNN phải chịu điều trần trước Quốc hội nếu đơn vị thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp.                                                                                          

THS. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh