Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp
- Huyệt vị
- 18:06 - 29/04/2017
Trí tuệ nhân tạo - một trong những thành tựu vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0
Đặc trưng và nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong lịch sử sản xuất của loài người, chúng ta đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XVIII, với sự ra đời của động cơ hơi nước. Nó đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nền công nghiệp thế giới với việc cơ giới hoá sản xuất, giải phóng đáng kể sức lao động của con người. Giai đoạn sau của thế kỷ IXX là sự bùng nổ của kỹ thuật điện - điện tử, dây chuyền lắp ráp và sản xuất hàng loạt (mass production), đánh dấu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 diễn ra vào giữa thế kỷ XX. Thời kỳ này, công nghệ thông tin bắt đầu bùng nổ nhanh chóng và quá trình sản xuất được tự động hóa dựa trên hệ thống quản lý của máy tính, siêu máy tính, máy tính cá nhân (PC) và Internet. Khoảng năm 2010 là giai đoạn đánh dấu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời. Cuộc cách mạng này được hình thành trên nền tảng những thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp liền trước đó.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được tạo nên bởi sự giao thoa của các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, công nghệ di động không dây (wifi), trí tuệ nhân tạo (robot), công nghệ tin học lượng tử, công nghệ nano,… Các công nghệ này có tính liên ngành sâu rộng, nghĩa là thành tựu công nghệ của ngành này có thể áp dụng sâu rộng trong ngành khác và ngược lại. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng với chi phí phù hợp và xây dựng hệ thống sản xuất hàng loạt có khả năng linh hoạt điều chỉnh theo thay đổi của nhu cầu xã hội, tối ưu lợi ích cho các bên liên quan.
Cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp và vai trò của GD&ĐT
Những thành tựu đột phá mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang là không thể phủ nhận. Đi theo đó là rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, nếu có nhiều cơ hội thì cũng không ít những thách thức mà cuộc cách mạng này mang lại. Ở châu Á, các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc đã tận dụng triệt để những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 3.0 đã từng mang lại. Ấn Độ dẫn đầu về công nghệ thông tin và Hàn Quốc với thế mạnh về công nghệ bán dẫn so với các nước trong khu vực. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị gì để đón nhận cơ hội và ứng phó các thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại?
Vấn đề ở đây là chúng ta cần nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng của sản xuất kinh doanh thông minh, tuy nhiên không nhất thiết chỉ là một cuộc cách mạng trong các lĩnh vực của sản xuất công nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam vì nó không chỉ nhằm vào công nghiệp, là lĩnh vực ta có khoảng cách rất lớn so với các nước phát triển như những lần trước đó. Nó nhằm vào công nghệ số, đem những thành tựu vượt bậc của công nghệ số tới mọi lĩnh vực khác. Nếu xét về công nghệ ô-tô, công nghệ robot, công nghệ thông tin thì Việt Nam đi sau các nước phát triển nhiều chục năm. Trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp, hai lĩnh vực mà Việt Nam còn nhiều tiềm năng, chúng ta có nhiều khả năng sớm theo kịp các nước nếu áp dụng thành công những thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến hiện nay. Tiềm năng phát triển du lịch và nông nghiệp của Việt Nam còn rất lớn, chúng ta hiện chưa khai thác xứng tầm. Với hơn 3.200km bờ biển và nhiều danh lam thắng cảnh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nếu biết khai thác một cách khoa học thì ngành du lịch sẽ đem về nguồn ngoại tệ không nhỏ. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp còn rộng, dân số đa phần làm nông nghiệp, vì vậy ngành nông nghiệp cũng còn nhiều tiềm năng phát triển. Trong lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nếu doanh nghiệp muốn nuôi trồng, chăn nuôi cây gì, con gì để tham gia thị trường quốc tế, thì họ cần phải biết ở những nơi khác ai đã nuôi trồng những cây và con này, sản lượng các nơi đó có thể là bao nhiêu, nhu cầu thị trường ra sao,... Cần thu thập dữ liệu về những điều này và từ đó tính toán để có những dự báo và quyết định xác đáng. Đối với du lịch, trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số. Sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được lợi hại của các dịch vụ, tuyên truyền sâu rộng cho du khách thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao. Việc giới thiệu du lịch cũng cần dựa trên các công nghệ số hiện đại. Ví dụ như cách làm của hãng Uber dùng công nghệ số để cung cấp tiện ích cho khách hàng. Đây là cách làm rất đáng học tập cho các hoạt động du lịch ở Việt Nam. Dùng được công nghệ số có thể tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách thật hài lòng khi đến Việt Nam.
Thách thức lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 là nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến liên ngành. Trong thời gian tới, Việt Nam đứng trước yêu cầu đầu tư cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như: khoa học về vật liệu tiên tiến, công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông,.... Ngành GD&ĐT đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu nhân lực của thị trường lao động khó dự đoán và tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra nhanh chóng. Nhiệm vụ trước mắt của ngành GD&ĐT là nên nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành, lĩnh vực. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng cần đầu tư cho nghiên cứu, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học,…và xa hơn là cả những vấn đề sẽ nảy sinh trong khoa học quản trị, quản lý và pháp lý. Ngành GD&ĐT cần có chiến lược để xây dựng được các viện nghiên cứu tiên tiến trong các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao như: công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhìn chung, dù ở giai đoạn nào của lịch sử phát triển xã hội loài người thì nhân tố con người vẫn là trọng tâm. Tất cả công nghệ tiên tiến sẽ trở nên vô nghĩa nếu con người không làm chủ được công nghệ và không biết áp dụng như thế nào, lợi ích kinh doanh mà công nghệ sẽ mang lại là gì. Vì vậy, ngành GD&ĐT cần có chiến lược khoa học, hợp lý để bồi dưỡng, đào tạo, tái đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu của quá trình sản xuất sao cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay.