THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:59

Đổi đời từ nghề nuôi chim bồ câu

Thành công vì biết nắm bắt cơ hội

Thăm trang trại Ngọc Điền ở huyện Củ Chi, điều làm chúng tôi ấn tượng là hàng ngàn con bồ câu Pháp cứ gù gù... liên tục trong các dãy chuồng, tạo nên một bản “đồng ca” khá ngộ nghĩnh.

Nói về cái duyên với nghề nuôi bồ câu, anh Thức kể, trước đây anh là tài xế cho một công ty ở Bình Dương, hàng ngày làm việc trên dưới 10 giờ nhưng thu nhập không đáng kể. Để đảm bảo nguồn thu giúp đỡ gia đình, nhiều lần anh đã suy nghĩ đến việc đổi nghề.

Cơ hội rồi cũng đến với anh, năm 2008, trong một lần cà phê với bạn bè, tình cờ biết được nghề nuôi bồ câu cho thu nhập đáng kể, nghĩ mình còn trẻ lại tâm huyết thoát nghèo, anh liền gom góp mớ vốn ra Vũng Tàu tìm mua bồ câu giống.

Do chưa nắm vững kỹ thuật, lứa đầu cho ấp không như ý muốn, hầu hết con non sau nở yếu ớt, không đủ trọng lượng và phát triển chậm. Ngoài ra trong quá trình nuôi, không ít bồ câu mắc các chứng bệnh về hô hấp, cúm... khiến anh trằn trọc mất ngủ.

Từ những thất bại đầu tiên đủ để anh Thức rút ra kinh nghiệm, chính  yếu tố kỹ thuật là mấu chốt quyết định thành công. Nhận thức được điều này, anh đã dày công tìm tòi trên mạng cũng như kinh nghiệm thực tế từ các hộ nuôi bồ câu. Với tính nhẫn nại lẫn tâm huyết với nghề, chẳng bao lâu sau phương pháp nuôi bồ câu của anh ngày một hoàn chỉnh, giúp cho trang trại tránh được nhiều rủi ro.

Trao đổi về kỹ thuật nuôi, anh Thức chia sẻ: “Để bồ câu phát triển tốt và tránh bệnh tật, điều cơ bản đầu tiên là chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng  mát. Mỗi lồng rộng 9 tấc vuông được chia làm 4 ngăn, mỗi ngăn là một cặp trống mái. Trung bình mỗi ngày cho bồ câu ăn 2 lần vào các cữ sáng và chiều. Riêng nước uống phải sạch sẽ, được thay sau 2 ngày để đảm bảo vệ sinh, tránh truyền nhiễm bệnh.

Thức ăn cho bồ câu có thể sử dụng cám gà, được trộn với gạo theo tỉ lệ 2:1. Bồ câu sau khi nở ở chung với chim bố mẹ khoảng 1,5 tháng, sau thời gian đó tách bầy nuôi riêng. Đối với bồ câu thịt, sau khi tách bầy, chỉ cần vỗ béo thêm 1 tháng nữa là có thể xuất chuồng, lúc này trọng lượng trung bình thường đạt 400 gram mỗi con.

Anh Nguyễn Ngọc Thức giới thiệu mô hình nuôi chim bồ câu với khách tham quan.

Mở rộng quy mô, cùng mọi người làm giàu

Hiện nay, trung bình mỗi tháng trang trại Ngọc Điền xuất chuồng từ 700 đến 800 cặp chim thịt với giá bình quân khoảng 150.000 đồng/cặp. Ngoài ra, trang trại còn cung cấp hàng trăm cặp bồ câu giống bố cho các khách hàng có nhu cầu. Sau khi trừ tất cả chi phí, anh Thức thu về 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Theo nhận xét một số hộ nuôi bồ câu, hiện nay Ngọc Điền là một trong những trang trại có tiếng trong việc cung cấp con giống cũng như chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi. Hầu hết khách hàng đến đây tham quan, học hỏi kinh nghiệm đều thấy thoải mái trước sự nhiệt tình  hướng dẫn của chủ trang trại bồ câu là anh Thức.

Nói về tham vọng phát triển trang trại trong tương lai, anh Thức cho biết “ Do nhu cầu của thị trường vẫn còn cao, sắp tới tôi sẽ mở rộng trang trại, nâng tổng số đàn chim từ 3.000 lên 6.000 cặp, đảm bảo cung cấp cho khách hàng với giá phải chăng, tạo điều kiện để mọi người tiếp cận với nghề nuôi bồ câu Pháp, cùng nhau thoát nghèo bền vững”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh