CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:09

Làm giàu bằng nghề... đốt rơm

Tro đi từ ruộng đồng đến giấc ngủ

           Có mặt ở chợ Trà Thôn mới 6 giờ sáng mà lượng người đến chợ đã tấp nập và chen cứng cả bến thuyền. Người bán, người mua cười vang cả một khúc sông.

Dường như không ai ở vùng đất này còn nhớ rõ chính xác ngày hình thành cái chợ tro độc nhất vô nhị xứ miệt vườn này, nhưng điều ai cũng biết chợ ngày càng mang lại sự no ấm cho hàng trăm gia đình, nó giúp cho nhiều thương lái cất được nhà lầu, mua xe hơi. Bà Năm Út, năm nay đã bước sang tuổi 74 kể: “Cái chợ tro này cả nước chỉ có một thôi.Tôi cũng không nhớ chính xác ngày thành lập đâu nhưng láng máng đâu từ những năm 1974. Khi đó có một ông chủ trang trại hoa người Pháp từ TP Hồ Chí Minh về kêu một số người dân hãy đi thu gom rơm rạ và đốt thành tro bán cho ông để ông mang về trồng hoa, nhiều loại hoa chỉ thích hợp với loại chất bón là tro thôi”.

Người đầu tiên đi thu mua rơm về đốt thành tro bán là ông Nguyễn Phúc Nam. Lúc đó ai cũng ngỡ ngàng nghĩ ông quá rảnh rang mà sinh ra những ý tưởng vẩn vơ, nhưng sau những mẻ tro đầu tiên của ông Nam được “xuất” đi các trang trại rau, hoa ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương thì các chủ trang trại khác cũng tấp nập đổ về đặt hàng những người dân ở đây. Vậy là bỗng nhiên chợ tro được hình thành.

Chợ tro hoạt động độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Ban đầu chỉ có dăm người đi thu mua rơm về đốt thành tro và phun nước cho ẩm rồi đóng bao bán. Thế mà chẳng mấy chốc cả làng chuyển từ nghề đánh bắt cá sông sang buôn bán tro. Những người đầu tiên như ông Nam, bà Út do móc nối được nhiều chủ trang trại rau, hoa ở các tỉnh nên đứng ra làm đầu mối thu mua.

Chị Trần Thị Nhung vui mừng chia sẻ: Nếu đánh bắt cá sông thì làm sao mà có cuộc sống đủ đầy như bây giờ được. Nếu tính đến đầu năm 2013 này thôi thì ở cái xã này phải có đến trên 220 người gắn bó với tro rơm rồi. Tro lên ngôi, giá bán ngày càng đắt đỏ, các chủ vườn và trang trại thích bón tro rơm hơn các loại phân hóa học khác. Thế nên khắp xã Long Điền B, nhà nhà bàn chuyện bán tro.

Cũng bởi là những chủ vựa đầu tiên nên ông Nam nhanh chóng cất được nhà lầu nhờ tro. Bà Út bảo, nếu không có tro thì hàng trăm gia đình còn lâu mới thoát được cảnh nghèo. Để có đủ nguồn tro rơm cung cấp cho chủ vựa và các trang trại rau hoa khi họ đặt hàng, những người dân ở đây phải lặn lội đi mua rơm ở các cánh đồng lúa sau mùa thu hoạch của vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên, Nông trường Sông Hậu...

Có thời kỳ cao điểm thì phải đến tận Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu để thu mua. Những người đàn ông có sức khỏe lực điền thì rong ruổi đi thu mua rơm, những người phụ nữ thì tiến hành đốt rơm và phun nước đủ độ ẩm để tro không bị gió thổi bay mịt mùng. Anh Trần Văn Công vừa chất vội những bao tải tro cồng kềnh lên xe để giao cho khách vừa khoe: “Cả họ hàng nhà tôi hai chục năm nay đều gắn với cái chợ tro này. Kể cả trong bữa cơm cũng chỉ biết bàn chuyện tro rơm, trước khi đi ngủ cũng bàn chuyện tro rơm. Vì chính nó đã mang lại cuộc sống, niềm vui cho dân nghèo ở đây”.

 

Nhiều thế hệ gắn cuộc đời với tro rơm.

Uống nước mắm để ngăn chất độc thâm nhập (?)

Chị Bùi Minh Hải, cán bộ của Trạm y tế xã cho biết, người dân trong xã này bốn mùa đều đắm đuối với tro, mới nhìn cảnh họ làm việc bụi bay mù mịt khắp nơi thì nghĩ ngay rằng bệnh tật xâm nhập vào người lúc nào không hay. Thế nhưng nhiều năm nay trong xã này rất hiếm người đến trạm y tế để điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp.

Anh Trần Văn Công lau lớp bụi tro bám dày trên trán cười khoe: “Nhìn thế thôi nhưng chúng tôi ăn ngủ với tro suốt ngày đêm mà vẫn khỏe re, khám sức khỏe định kỳ thường xuyên đấy mà có bao giờ phát hiện ra bệnh gì nghiêm trọng đường hô hấp đâu. Phụ nữ thì còn bịt khẩu trang chứ đàn ông thì chẳng bao giờ cần đến bảo hộ cả. Hình như tro ở đây biết thương người nên không có gây bệnh tật.

          Khác với anh Công, anh Bùi Hữu Hòa cho rằng: Để ngăn chặn các chất độc từ tro có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, sáng tinh mơ trước khi đi làm, cánh đàn ông chúng tôi đều uống mỗi người 1 đến 2 chén nước mắm, vì khi nước mắm ngấm đều trong cơ thể các tuyến dịch trong người hoạt động mạnh hơn sẽ không để tro dễ dàng xâm nhập vào.

Phụ nữ thì có người uống, người không. Anh Tám Phát cũng cho rằng: “Chưa có ai chứng minh, nhưng thói quen uống nước mắm trước khi ra chợ tro để hoạt động thì nhiều đàn ông ở đây áp dụng rồi. Nó vừa làm ấm cơ thể, vừa kích thích hoạt động rất tốt. Hơn nữa những buổi sáng tinh mơ đi bốc vác tro, có chút nước mắm trong người cũng thấy khỏe hẳn ra, nhất là những ngày thời tiết bất thường và lạnh lẽo.

Hơn nữa cuộc sống chủ yếu trên ghe, vận chuyển tro từ địa điểm này đến địa điểm khác có khi gặp sự cố như thủng ghe hay nước ngấm vào những người đàn ông phải ngụp lặn xuống sông hàng giờ đồng hồ để xử lí sự cố nên cũng có thể họ uống nước mắm trước để làm nóng cơ thể.

Chị Trần Thị Nhu tự hào: “Cả nhà tôi ba bốn thế hệ đều gắn với buôn bán tro, cứ rong ghe hết khúc sông này đến khúc sông khác mua rơm đốt lên thành tro chở về chợ đầu mối bán cho các thương lái. Cả cái chợ tro này sáng tối nhộn nhịp như chợ Tết. Chỉ vài ngày mưa gió quá mà không ra chợ mà lăn lộn với tro được là buồn và nhớ lắm”. 

          Ông Trần Văn Đức, chủ trang trại hoa lớn nhất TP Hồ Chí Minh chia sẻ; nhiều loại hoa có giá trị cao bây giờ chỉ trưởng thành và phát triển nhanh chóng khi được chăm sóc bằng tro rơm mà thôi. Nhất là những dịp gần Tết, tro lại càng cần thiết hơn để bón thúc cho các trang trại hoa. Có khi phải chầu chực mấy ngày mới mua đủ lượng tro cho một trang trại.

Bởi thế nên có khi chúng tôi phải mua trữ sẵn từ tháng 10 dương lịch để tháng 11 bắt đầu bón rải rác và tháng 12 thì bón thúc. Bón bằng tro rơm sẽ giúp các hoa giữ được sắc đẹp và độ tươi lâu hơn bình thường. Chính vì sự ưa chuộng của các chủ trang trại mà chợ tro Trà Thôn ngày càng sầm uất hơn, người buôn kẻ bán luôn tấp nập như một thương cảng.

Trước đây người ta chỉ bắt đầu họp chợ vào lúc 7 giờ sáng nhưng giờ đây 5 giờ đã bắt đầu tấp nập. Nét độc đáo nữa của ngôi chợ này là tất cả người dân chỉ bán chung một giá, không được phá giá, cũng không được ém hàng. Những điều này người dân phải cam kết trước khi tham gia hoạt động buôn bán trong chợ. Những thương lái cũng quy ước với nhau không được tranh giành hàng hóa cũng như âm thầm hạ giá để thu gom cho được nhiều tro. 

Tro trước khi được đóng vào bao giao cho các thương lái phải được kiểm tra kỹ càng xem đã đốt cháy hết hoàn toàn chưa hay vẫn còn vương những cọng rơm. Chính vì những nét độc đáo này mà chợ tro Trà Thôn đã được xếp vào 1 trong 100 ngôi chợ độc đáo của Việt Nam. 

PHƯƠNG NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh