Chuyện của những người đi gõ cửa nhà người nghiện
Tại xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào, trước đây vốn là một trong những địa phương có nhiều người nghiện, tuy nhiên, với vai trò của Đội công tác xã hội tình nguyện mà hiện nay trên địa bàn xã đã không còn người nghiện. Với họ, việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chỉ với mục đích để tất cả các gia đình không phải chịu sự buồn đau do có người thân nghiện ma túy, bị nhiễm HIV hay sa vào các tệ nạn xã hội khác.
Với thâm niên gần chục năm tiếp xúc người nghiện, hơn ai hết ông Phạm Hồng Kỳ, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện Xã Hòa Phong hiểu rõ về tính chất nguy hiểm và cái giá quá đắt mà ma túy gây ra đối với sức khỏe, tính mạng và cả danh dự của những ai đã một thời lầm lỗi. Ông Kỳ cho biết, được thành lập khá sớm (từ năm 2010) đến nay, Đội có 7 tình nguyện viên luôn hoạt động tính cực, thường xuyên nắm bắt địa bàn, đến tận nhà vận động, tuyên truyền. Không những thế, Đội công tác xã hội tình nguyện xã Hòa Phong còn vận động nhân dân trong các buổi họp họ, tuyên truyền cho học sinh tại các trường học, mỗi tháng họp giao ban 1 lần để đánh giá và triển khai nhiệm vụ mới.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các tình nguyện viên vẫn thường xuyên tiếp cận, cảm hóa, giúp đỡ được nhiều người nghiện tái hòa nhập cộng đồng (ảnh: Một buổi sinh hoạt của đội CTXHTN xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, Hưng Yên).
Theo ông Kỳ, khó khăn thì còn rất nhiều, nhưng các tình nguyện viên luôn động viên nhau phấn đấu, vươn lên. Mỗi khi còn người nghiện thì không những gia đình khổ, mà còn ảnh hưởng xấu đến cả cộng đồng. Với những người làm công tác xã hội tình nguyện thì không gì ý nghĩa hơn khi được chứng kiến cuộc sống của những người đã một thời lầm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng thành công. Chính vì vậy mà từ xã có 5 người nghiện ma túy như trước đây thì hiện nay, trên địa bàn xã đã không còn người nghiện nào. Để đạt được những kết quả đó bên cạnh sự nỗ lực của các tình nguyện viên, thì sự hỗ trợ, động viên của chính quyền các cấp đã giúp cho ĐCTXHTN thêm động lực, thì còn được sự hỗ trợ tích cực từ UBND xã vào các dịp sơ kết, tổng kết…
Phấn đấu làm sạch tệ nạn trên địa bàn
Ông Nguyễn Hải Đương, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết: Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 160/161 xã, phường đã thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện (ĐCTXHTN), với 1.179 tình nguyện viên. Họ không chỉ trở thành cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, làm mềm hóa mối quan hệ hành chính giữa chính quyền và các đối tượng vi phạm tệ nạn xã hội mà còn làm thay đổi phần nào nhận thức và sự kỳ thị của cộng đồng đối với đối tượng mại dâm và người nghiện ma túy.
Nhờ hoạt động tích cực, hiệu quả, các tình nguyện viên Đội CTXHTN tỉnh Hưng Yên đã góp phần làm giảm tệ nạn xã hội
Thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động nhân dân luôn được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên quan tâm đẩy mạnh, đổi mới cả nội dung và hình thức và phương pháp tuyên truyền. Đã in và phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, 12.000 tờ tuyên truyền về công tác phòng chống mại dâm, lắp đặt 40 băng rôn tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tại các huyện, thành phố trong tháng cao điểm về phòng chống ma túy…
Bên cạnh đó, công tác quản lý sau cai luôn được quan tâm, trong đó chú trọng tư vấn cho người nghiện tại gia đình. Thường xuyên động viên, khuyến khích các đối tượng tránh xa tệ nạn, bạn bè xấu. UBND xã, phường thực hiện thí điểm khuyến khích các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn nhận các đối tượng sau cai vào làm việc. Nhiều người đã tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Vì những thành tích trong công tác phòng, chống TNXH trong nhiều năm liền, ông Nguyễn Hải Đương, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Hưng Yên đã được Chính phủ tặng Bằng khen
Đến nay, toàn tỉnh có 6 xã không có tệ nạn ma túy, 124 xã, phường không có tệ nạn mại dâm. Đi đầu trong phong trào xây dựng mô hình xã, thị trấn duy trì không có tệ nạn ma túy, mại dâm như huyện Phù Cừ, đã xây dựng được 5 mô hình tại 5 xã Đoàn Đào, Trần Cao, minh Tân, Minh Tiến, Tống Phan. Huyện Kim Động đã xây dựng các mô hình xã , thị trấn duy trì không có tệ nạn ma túy và xã, thị trấn không phát sinh mới về ma túy, mại dâm tại các xã Ngọc Thanh, Nhân La, thị trấn Lương Bằng, Song Mai, Thọ Vinh, Vũ Xá…
Công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm luôn được các cấp quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt, gắn kết đồng bộ với các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, thực hiện lồng ghép các chính sách an ninh, xã hội, giảm nghèo, xây dựng đời sống
văn hóa ở cộng đồng dân cư…
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và đa dạng hóa về hình thức, nội dung phong phú, sát với thực tế. Thời lượng phát sóng các chương trình chuyên đề ngày một tăng, chất lượng của chuyên mục được nâng lên . Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tạo được sự chuyển biến về nhận thức của nhân dân đối với việc phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn MT, MD được quan tâm triển khai gắn với vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện đồng bộ. Số xã, phường xây mới ngày một tăng, số xã phường trọng điểm được giảm đáng kể qua các năm.
Theo ông Nguyễn Hải Đương, tuy kinh phí còn hạn chế (mỗi năm một ĐCTXHTN chỉ được cấp kinh phí 30 triệu đồng), nhưng với sự đam mê và nhiệt huyết công việc, qua tiếp cận, cảm hóa, họ giúp đỡ được nhiều người cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng. Với lòng nhiệt tình và tình tương thân tương ái, trong những năm qua, Đội công tác xã hội tình nguyện đã và đang tham gia vào các phong trào xã hội tại các địa phương đồng thời là cầu nối giữa các tổ chức xã hội, cộng đồng và chính quyền.
Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh được các cấp chú trọng và tập trung chỉ đạo gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, tạo được chuyển biến rõ nét cả về nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần quan trọng việc giữ vững an ninh , ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn và kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Các ĐCTXHTN đã phối hợp các những người có uy tín trong Tổ dân phố, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc tiếp cận, thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ học nghề, đồng thời tìm hiểu nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đối tượng để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, báo cáo kịp thời để Đội có kế hoạch đề nghị với chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp các gia đình khó khăn được vay vốn làm ăn, tạo việc làm.