"Bộ chỉ huy tiền phương" tỏa đi nhiều hướng giúp Đà Nẵng dập dịch Covid-19
- Tây Y
- 04:16 - 02/08/2020
Ngày 1/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc trực tuyến với “Bộ Chỉ huy tiền phương” - Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng phụ trách.
Hiện nay các lực lượng chi viện của Bộ Y tế bao gồm: Đội điều tra, giám sát dịch; đội điều trị; đội xét nghiệm đang phối hợp tích cực với y tế Đà Nẵng và các lực lượng trên địa bàn nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị, giúp y tế Đà Nẵng chuẩn bị cơ sở vật chất để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đà Nẵng: Thực hiện nghiêm “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Tiểu ban Điều trị sẽ tập trung các ca mắc Covid-19 vào các bệnh viện chuyên biệt là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Dã chiến, nơi có thể thu dung 2.000 bệnh nhân.
Về điều trị cho bệnh nhân tại các Bệnh viện Đà Nẵng hiện nay, Th.S Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh – Đội trưởng Đội Điều trị cho biết đã thiết lập một đơn vị Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và lắp đặt 20 máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang. Bệnh viện Trung ương Huế đã hỗ trợ Đà Nẵng điều trị 18 bệnh nhân, đa số là bệnh nhân nặng.
38 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã được chi viện cho 5 cơ sở là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương- Đội trưởng Đội Điều tra giám sát dịch đã đề xuất cách ly tập trung đối với các trường hợp F1.
Đồng thời, PGS Dương cũng cho rằng cần thành lập các Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, thành viên là cán bộ tổ dân phố có mối quan hệ tốt trên địa bàn dân cư. Hàng ngày các cán bộ này sẽ thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở tuyên truyền các gia đình thực hiện tốt Chỉ thị 16 và hỏi han, quan sát, phát hiện người dân có dấu hiệu gì bất thường để báo cho cơ quan chức năng về y tế quản lý. Các gia đình thực hiện nghiêm “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”.
“Kinh nghiệm của Hà Nội và nhiều địa phương khác là tổ giám sát này có vai trò rất quan trọng. Mỗi tổ chỉ cần 1-2 người địa phương có uy tín trong tổ dân phố, đi từng nhà, động viên, thăm hỏi để biết người dân có ai ốm, ho, sốt… rồi báo ngay cho y tế”, PGS Dương nói.
Thực hiện giãn cách tại Bệnh viện Đà Nẵng
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhất trí kiến nghị của tiểu ban điều trị, đồng thời yêu cầu lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong.
Đối với Bệnh viện Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng yêu cầu phải giải phóng nhanh, giảm mật độ với bệnh viện này (cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế). Hiện nhân viên y tế ở đây quá nhiều, phải giảm số lượng nhân viên y tế ở đây, đưa ra ngoài cách ly tại khách sạn. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng vấn đề này.
Nếu nhân viên y tế phải quay trở lại bệnh viện làm việc sẽ bố trí xe đưa đón, cách thực hiện như Bệnh viện Bạch Mai đã làm trước đây.
“Đặc biệt, các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực-chống độc, Hô hấp, Tim mạch là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng thì không đưa bệnh nhân vào đây điều trị nữa. Bộ chỉ huy tiền phương phải chỉ đạo quyết liệt chuyện này”, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế mở toàn bộ cửa sổ, không bật điều hòa tạo thông khí, tránh việc môi trường ô nhiễm sẽ tạo thành ổ siêu lây nhiễm tại Bệnh viện Đà Nẵng.
40% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng
Quyền Bộ trưởng cũng đồng ý với việc Bệnh viện C Đà Nẵng phải xét nghiệm lần 2, sau đó tiếp nhận điều trị nhưng phải phân luồng, phân tuyến rất kỹ. Với Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, phải biến đây thành bệnh viện sạch thu dung điều trị bệnh nhân nặng.
Trung tâm Y tế Hòa Vang (công suất 200 giường), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (công suất 100 giường) sẽ tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19 cùng Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Điện Bàn.
Đồng thời, GS Long cũng lưu ý, đối với bệnh nhân thận nhân tạo, cần tách bệnh nhân dương tính ra khu riêng và thực hiện triệt để phòng lây nhiễm, nếu không sẽ không bao giờ cứu được bệnh nhân. Bộ chỉ huy tiền phương dưới sự điều hành chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn toàn quyết quyết định những vấn đề tại khu vực này.
Nhất trí hoàn toàn với đề xuất của PGS.TS Trần Như Dương, GS Long yêu cầu các đơn vị phải rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ, theo đúng quy định; thành lập các Tổ Covid-19 cộng đồng và phân chia số lượng người cần quản lý, giám sát và tiến hành lấy mẫu khi có triệu chứng bất kỳ.
Hiện có đến 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào nghi ngờ.
Đối với việc lấy mẫu tại cộng đồng, Quyền Bộ trưởng cũng đề nghị TP Đà Nẵng tổ chức các chốt lấy mẫu tại những nơi có nguy cơ trước như tại khu vực bán đảo Sơn Trà, quận Hải Châu, các địa điểm đông khách du lịch và nhân viên y tế.
Hiện năng lực xét nghiệm tại Đà Nẵng đã đáp ứng xét nghiệm 10.000 mẫu/ngày. Theo thống kê có khoảng 11.000 người dân đến Bệnh viện Đà Nẵng trong giai đoạn này. Do đó các địa phương và chính quyền địa phương phải quản lý các đối tượng này.
Về thẩm định phòng xét nghiệm, Bộ giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP TP HCM thẩm định xét nghiệm với quan điểm các phòng xét nghiệm có máy PCR và đảm bảo an toàn sinh học là được phép xét nghiệm sàng lọc.
“Cần phải huy động tổng lực cho xét nghiệm”, GS Long lưu ý.
Quyền Bộ trưởng cũng lưu ý Đà Nẵng là điểm nóng nhưng không được quên Quảng Nam cũng là nguy cơ cao. Bộ chỉ huy tiền phương phải rà soát, kiểm tra khu vực này.
Ngày 2/8, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn sẽ cùng các chuyên gia vào Quảng Nam để bàn thảo về công tác phòng chống dịch của địa phương này.