Phiên chợ "choảng nhau" càng to thì càng may
- Văn hóa - Giải trí
- 22:47 - 24/02/2015
Phiên chợ Chuộng hàng năm thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia
Chợ Chuộng, họp trên bãi đất rộng khoảng hơn 1.000 m2, ven sông Thiều thuộc địa phận làng Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cứ vào mùng 6 tháng giêng hàng năm, phiên chợ Chuộng lại diễn ra một lần, và phiên chợ không bày bán những vật dụng, nhu cầu thiết yếu hay đồ dùng phục vụ cho đời sống, mà chỉ toàn bán những đồ thực phẩm như: rau, củ, cà chua, táo, trứng gà, trứng vịt của người dân địa phương để phục vụ cho việc người dân đi chợ cầu may.
Người dân nơi đây quan niệm rằng, người đi bán là bán đi những cái đen đủi của một năm cũ, còn người mua thì mua cái may mắn cho gia đình mình để năm mới làm ăn phát đạt, cầu được ước thấy.
Để tránh những trận chiến cà chua, trứng nhiều người phải đứng quan sát từ xa
Điều kỳ lạ của phiên chợ Chuộng này là phong tục đánh nhau để cầu may, năm nào đánh nhau càng to thì năm đó người dân sẽ càng có nhiều may mắn và vụ mùa bội thu.
Hầu hết thanh niên trai tráng trong làng và các vùng lân cận đến chợ Chuộng chỉ để… ném cà chua, táo, trứng và những vật mềm khác vào người nhau để mong may mắn sẽ đến, buôn bán có lãi, mùa màng được bội thu.
Cà chua đỏ không thể thiếu tại phiên chợ Chuộng
Cà chua có màu đỏ, tượng trưng cho điều may mắn, còn đánh nhau cũng được dân quanh vùng quan niệm sẽ đem lại một mùa màng bội thu, no ấm. Càng đánh nhau to, chắc chắn năm ấy sự may mắn càng tràn đầy.
Từng túi cà chua được chuẩn bị sẵn
Khi được hỏi về nguồn gốc của phiên chợ kỳ lạ này, hầu hết các cụ cao niên nơi đây chỉ nhớ từ khi còn nhỏ đã được ông bà dẫn đi chợ để cầu may, lớn lên nếu ở nhà thì không có năm nào mà các cụ và người dân nơi đây bỏ đi phiên chợ kỳ lạ này. Người dân địa phương nơi đây còn có câu cửa miệng “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng".
Tục ném nhau bằng cà chua, trứng…ở chợ Chuộng theo tương truyền vào thời Lê có một vị tướng đánh giặc khi ngang qua vùng này đúng mùng 6 Tết nguyên đán thì bị quân địch phát hiện và vây bắt. Vị tướng bèn huy động người dân trong vùng tổ chức họp chợ nhằm che mắt giặc.
Người dân đã cất giấu vũ khí trong hàng hóa ở chợ. Giặc nghĩ đây là một phiên chợ bình thường nên mất cảnh giác, khi vị tướng phát lệnh, người dân đã dùng vũ khí giấu sẵn vùng lên khiến giặc không kịp trở tay. Cảm kích trước sự thông minh, dũng cảm của dân làng vua đã trọng thưởng hậu hĩnh cho những người dân nơi đây. Từ đó để tưởng nhớ công lao của vị vua này, hàng năm cứ đến mùng 6 Tết là người dân trong vùng lại về đây họp chợ…
Ai cũng sẵn sàng "pháo kích" cà chua
Một pha tấn công bằng cà chua
Khi chợ bắt đầu khai hội, từng tốp thanh niên cả nam lẫn nữ của làng này, tập trung thành từng nhóm, trên tay cầm những túi cà chua, trứng ném vào những tốp thanh niên của làng khác.
Du khách hay người tham gia chợ Chuộng có mặt tại đây sẽ được “cười vỡ bụng” khi chứng kiến những màn rượt đuổi ngoạn mục bằng cà chua, táo, trứng…thấy thích ai là ném túi bụi vào người đó. Người bị trúng cà chua co chân chạy, nhưng miệng thì cười toe toét vì “Đến chợ Chuộng mà không bị 'dính' cà chua thì coi như chưa đi chợ”.