THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:26

Lãnh Mỹ A: Kiêu sa và sang trọng

.

Khi nghiên cứu về làng nghề của quê hương, nhà văn Mai Văn Tạo mới biết rằng: Chị em phụ nữ mà có được một bộ quần áo may bằng lãnh Mỹ A thì thật là sang trọng. Bộ quần áo ấy chỉ dành để mặc vào những ngày lễ, tết. So với lãnh Mỹ A, vải “xá xị Xiêm” một loại lụa Thái Lan nổi tiếng thời đó cũng không sánh bằng.

Phơi lãnh sau khi nhuộm.

Lụa Tân Châu nổi tiếng nhờ dệt bằng tơ tằm. Để có những cuộn tơ vàng óng ả, người Tân Châu đã phải trải qua những tháng ngày trồng dâu nuôi tằm vất vả quanh năm. Tằm phải được chăm sóc suốt ngày đêm, nhất là trong giai đoạn đưa tằm lên bủa giăng tơ.

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn vui nhất của làng nghề, cũng giống như ngày nông dân ra đồng thu hoạch vụ mùa. Thời đó, người ta dệt lụa theo khung dệt cổ, khổ vải dệt ra chỉ rộng khoảng bốn tấc, khi may quần áo phải nối vải nên không đẹp.

Dần dần, làng nghề tạo ra khung dệt khổ 8 tấc, rồi 9 tấc, đồng thời nghiên cứu làm cho lụa đẹp hơn, bền hơn với nhiều hoa văn tinh xảo: cẩm tự, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm…

Để có được tấm lụa Tân Châu, phải mất nhiều thời gian và công sức với nhiều công đoạn như: chải cửi, xe tơ, chọn tơ, từng sợi tơ được lựa chọn kỹ lưỡng bởi chỉ một sợi to hơn cũng sẽ làm tấm lụa không còn mịn màng nữa.

Sau khi dệt thành tấm, lụa sẽ được ngâm, xả, phơi khô, ủ nhựa cây rừng, nhuộm, phơi nắng rồi lại nhuộm. Ngay cả nắng phơi lụa cũng phải là nắng dịu chứ không gắt. Nhựa cây rừng dùng để ngâm ủ lụa cũng phải được lấy đúng mùa, lụa mới ra đúng màu sắc đã ấn định.

Dệt lụa Lãnh Mỹ A tại cơ sở Tám Lăng.

Nghệ nhân Tám Lăng (Nguyễn Văn Long), ở phường Long Hưng (T.X Tân Châu) một trong số ít những người kiên trì giữ nghề dệt lụa truyền thống cho biết: Lãnh Mỹ A là loại lụa được dệt, gia công bằng những công thức rất độc đáo. Nó chỉ có một màu đen huyền, bóng loáng. Đặc biệt không bao giờ phai màu, không co giãn và không hút ẩm, mặc mùa hè thì mát, mặc vào mùa đông lại rất ấm.

Độc đáo nhất có lẽ là kỹ thuật nhuộm lụa từ trái mặc nưa, một kỹ thuật làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả, quần áo mặc đến rách mà vải vẫn không bị xuống màu. Đây chính là nền tảng khiến cho lụa Tân Châu nổi tiếng một thời.

Nhuộm lãnh bằng bột mạc nưa.

Chúng tôi đi một vòng “quê lụa Tân Châu” qua các phường (Long Hưng, Long Thạnh, Long Châu) một khu đô thị khá sầm uất vùng sông nước miền Tây, tôi hơi bất ngờ hiện chỉ còn gần chục cơ sở dệt lụa: Hồng Ngọc, Tám Lăng, Út Sua, Hai Lộc, Chín Chừng, Hưng Thịnh…đồng hành là khoảng hai chục hộ làm nghề xe tơ và số tơ này mua từ Bảo Lộc về.

Nghề dệt lụa đã mai một, khi thị trường vải ngày càng phong phú, đa dạng, giá lại rẻ nên lụa Tân Châu không đủ sức cạnh tranh. Đời sống người lao động gặp khó khăn, nghề dệt truyền thống mai một dần. Nhưng đây đó vẫn còn khá nhiều xưởng xe tơ, xưởng dệt nhỏ của các gia đình. Chủ cơ sở Hồng Ngọc, chị Lê Thị Kiều Hạnh là thế hệ thứ ba trong gia đình tiếp nối nghề.

Chỉ tay về phía hàng chục khung dệt đang liên tục thoi đưa mà chỉ có vài ba công nhân đứng máy, chị Hạnh ngậm ngùi: “Ngày xưa cũng tại nơi này, thời ông bà già tôi làm, nhân công đông lắm nhưng bây giờ thì vắng nhiều. Một phần cũng do gia đình tôi áp dụng hiện đại hóa phương tiện”. 

Do các công đoạn được làm hoàn toàn thủ công, không hề sử dụng chất hóa học nên lụa Tân Châu không chỉ rất bền chắc mà còn óng ả và không phai màu. Cũng vì vậy mà giá của một tấm lụa Tân Châu khá đắt, Lãnh Mỹ A (dệt bằng tơ tằm Bảo Lộc) nhuộm trái mặc nưa, loại này đắt nhất, giá bán hiện tại 400.000đồng/m (khổ 90 cm); hai là nylon saten (giá bán 50.000 đồng/m).

Nghệ nhân Nguyễn Văn Long kiểm tra chất lượng vải lãnh Mỹ A – đặc sản của lụa Tân Châu được nhuộm bằng bột mạc nưa.

Nâng niu tấm lãnh Mỹ A láng mịn trên tay, nghệ nhân Tám Lăng trầm ngâm: Nghề dệt truyền thống Tân Châu đang sống lại, đó là hạnh phúc lớn đối với những người “gần đất xa trời” như tôi. Nhưng phải giữ cho được những tấm lụa như thế này, đừng để mai lãnh Mỹ A chỉ còn trong ký ức.

Mỗi năm cơ sở dệt lụa Tám Lăng sản xuất trung bình khoảng 100 cây Lãnh Mỹ A (một cây dài 20m, khổ 90 cm), 600 cây nylon – saten và khoảng 500.000m gấm các loại. Ngoài thị trường trong nước, các mặt hàng này còn xuất sang Campuchia. Đặc biệt, những năm gần đây nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, khách du lịch nước ngoài đến Tân Châu ghé quê lụa “ăn hàng” cũng khá mạnh, nhất là mặt hàng Lãnh Mỹ A.

Về Tân Châu hôm nay, đã nghe đâu đó tiếng lách cách, lạch xạch vui tai của những khung dệt. Trên nương dâu ven sông Tiền, nghe tiếng cười trong vắt của những thiếu nữ trong chiếc áo bà ba, nón lá thấp thoáng đâu đó giữa màu xanh bạt ngàn, lòng tôi chợt bâng khuâng.

PHƯƠNG NGHI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh