THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:23

Độc đáo… đũa cau rừng

 

Đổi thay từ cau

Làng Phúc Trạch như một cái võng, một đầu mắc lên Rú Gối - ngọn núi cao nhất của dãy Trà Sơn, một đầu mắc lên Động Trỉa - ngọn khá cao thuộc dãy Giăng Màn.

Trong ký ức của tôi, làng nghề làm đũa ở Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh), là một ngôi làng nằm ngay cạnh ga tàu. Gọi là làng đấy, nhưng thực chất chỉ có một phần của làng theo nghề làm đũa mà thôi. Mỗi lần được mẹ giao đi chợ qua đấy, thể nào tôi cũng đi chầm chậm để được xem cách bào, cách gọt đũa nhanh thoăn thoắt của các bà, các chị nơi đây.

 

Độc đáo… đũa cau rừng ở Hương Khê Hà Tĩnh

Ông Trần Văn Hành hăng say chẻ cau làm đũa

Nghề sản xuất đũa nơi đây cũng chỉ mới tồn tại và phát triển tầm hai chục năm trở lại. Thời gian tuy chưa dài nhưng cũng đủ để khẳng định sản phẩm của người dân Phúc Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều đặc biệt làm nên sự độc đáo của làng nghề không nơi nào có được, đó là đũa được làm bằng cây cau rừng, gọi là cau nang rưng. Là loại cau mà chỉ mỗi ở xứ rừng núi này mới có.

Đũa cau nang rưng tuy không thật sự tinh xảo và khá là đơn điệu về kiểu dáng nhưng độ bền, độ bóng của sản phẩm thể hiện được sự cần cù cũng như sự khéo léo của đôi bàn tay, khối óc của người dân Phúc Trạch.

Ngày trước, cuộc sống của những người dân nơi đây vô cùng khó khăn, chân lấm tay bùn. Tất cả chỉ trông chờ vào đồng ruộng và những ghánh củi trên rừng.

Thế rồi, cuộc sống mưu sinh cũng thúc đẩy con người ta phải luôn vận động, sáng tạo. Được lợi thế gần rừng… đó là một tài nguyên không phải nơi nào cũng có. Bà con ở làng đã vào rừng đốn cây cau nang rưng về làm đũa.

 

Anh Đoàn Văn Hải lấy nghề vót đũa làm nghề chính của gia đình

 

Khởi điểm cho làng đó là hộ gia đình ông Chiên bà Thanh ở xóm 3 Phúc Trạch. Gia đình bà Thanh lấy cau vót đũa bán. Lúc đầu cũng ít người ưa chuộng nhưng có lẽ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” sản phẩm đũa cau rừng dần được nhiều người tìm đến.

Thấy hộ gia đình ông Chiên, bà Thanh dần thay đổi được cuộc sống nhờ vào cây cau nang rưng ở rừng, từ đó các hộ dân xung quanh cũng học hỏi kinh nghiệm của bà để sản xuất đũa.

Lúc đầu thì chỉ có vài hộ, rồi thấy hiệu quả nên truyền tay nhau bây giờ đã có rất nhiều người nơi đây thay đổi được cuộc sống nhờ nghề vót đũa.

Tôi đến thăm gia đình bà Thanh là hộ gia đình có thời gian làm đũa lâu nhất giữa trưa của cái nắng mùa hè miền Trung. Bà Thanh mời chúng tôi bát nước chè xanh mang đậm tình quê. Lấy tà áo lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt khắc đậm sự vất vả, bà tâm sự:

“Ở làng làng quê nghèo này, ngoài đồng ruộng và những ghánh củi trên rừng thì thật sự chúng tôi cũng không biết làm gì ra tiền để có thể nuôi các con ăn học và chu cấp cho sinh hoạt gia đình. Từ khi biết lấy cây cau nang rưng ở rừng về làm đũa bán, thú thực kinh tế gia đình cũng đỡ hơn nhiều. Ban đầu còn gặp hơi nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nhưng giờ thì đỡ hơn nhiều. Bởi chất lượng sản phẩm được truyền xa nên mọi người ai cũng tìm đến mua”.

 

Bà Oanh miệt mài chẻ cau làm đũa

Khi mới bắt đầu với nghề mọi người chủ yếu dùng dao để vót đũa nên sản phẩm làm ra không được trơn và đều. Hơn nữa lại hạn chế về số lượng. Từ đó, mọi người cũng đã nghĩ ra cách dùng bào để thay thế cho việc vót bằng dao, nên sản phẩm ra đời đều hơn. Sau đó, đũa được mang đi chà với lá chuối khô để được mịn và trơn hơn.

Cùng với hộ gia đình bà Thanh, hộ gia đình ông Trần Văn Hành cũng theo nghề làm đũa hơn 10 năm nay. Đi từ những cái khó đến những cái dễ. Bàn tay con người cứ chịu khó miệt mài sản xuất rồi kết quả đã mỉm cười với những người dân nơi đây.

Trong khi đồng ruộng chỉ ăn theo mùa vụ thì ngược lại nghề làm đũa lại quanh năm, ngày tháng. Một điều quan trọng là ở trong giai đoạn thị trường đang tràn ngập những hoá chất gây mất an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng thì đũa cau lại là một trong những giải pháp lựa chọn rất đáng tin cậy.

Như với hộ gia đình ông Hành thì bây giờ đã lấy nghề vót đũa làm chủ đạo chính trong gia đình. Thu nhập một tháng của cả gia đình ông cũng trung bình từ 6-8 triệu đồng. Cũng từ nghề này mà gia đình ông đã nuôi được năm đứa con ăn học đại học.

Sản phẩm sau khi đã hoàn tất

Đũa cau không chỉ được người dân ưa thích mua về sử dụng mà nhiều người còn mua để làm quà biếu cho người thân khắp mọi miền đất nước. Với những dịp cuối năm, nhu cầu về đũa cau lại càng cao, khách hàng phải đến để đặt trước thì mới có được. Thậm chí, nhiều gia đình phải tranh thủ làm thêm cả ban đêm vẫn không đủ đũa cho khách hàng.

Hướng đi còn nhiều gập ghềnh

Đối với nghề làm đũa, cái cơ bản nhất là yêu cầu phải có cây cau rừng, và yêu cầu cau phải rất già trên 20 năm tuổi, có đường kính từ 20 - 30cm, cao trung bình 7m, chỉ có 2m cau gốc mới sử dụng vót đũa được.

Vì sự chọn lọc khá kỹ càng đó nên cau càng ngày càng hiếm. Bây giờ để đi lấy cau thì người dân phải đến các vùng rừng của Vũ Quang, Hương Sơn. Mỗi chuyến đi phải mất 3 ngày may ra mới được một bó khoảng 20 đoạn (mỗi đoạn 2m).

Để làm ra đũa thành phẩm phải trải qua các công đoạn: cắt – chẻ - đẽo – bào phả - bào trau – mít – chà - phơi, trong đó bào trau là công đoạn quyết định của sản phẩm. Nếu gặp thời tiết mưa nhiều thì phải sấy đũa bằng than vì đũa khô thì mới không bị mốc.

Rõ ràng trong cơ chế thị trường hiện nay thì làm bất kỳ mặt hàng gì thì bao giờ người sản xuất cũng phải lấy chất lượng và chữ tín đặt lên hàng đầu. Chẳng ai dạy cho những người làng đũa Phúc Trạch biết thế nào là thị trường hay không thị trường nhưng họ biết chắc một điều nếu muốn sống được bằng nghề thì hàng hóa của họ làm ra phải đạt chất lượng và phải biết giử uy tín với bạn hàng.

Phát triển nhanh là thế nhưng nghề làm đũa ở Phúc Trạch cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Hành chia sẻ: “Giá cau nguyên liệu càng ngày càng cao và nguồn cung cấp lại khan hiếm. Chúng tôi không thể dùng cau non kém chất lượng để làm đũa vì sẽ không đảm bảo. Hơn nữa thị trường đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa thực sự được quan tâm. Đây thực sự là thách thức với người làm đũa”.

 

Nghề vót đũa đang dần được lưu truyền cho thế hệ sau

Để thị trường tiềm năng này phát triển mạnh mẽ hơn, chúng ta cần có chiến lược xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng. Cụ thể, xã Phúc Trạch và huyện Hương Khê cần đóng vai trò “bà đỡ” cho sản phẩm của làng nghề, nỗ lực xây dựng thương hiệu đặc thù của địa phương mạnh về chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường.

Nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ làng nghề như hỗ trợ vốn cho các hộ dân, quy chuẩn chất lượng đối với sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài cho nghề đũa, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm một cách bài bản và có quy trình hướng đến xuất khẩu… và hướng đến đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cau rừng ngày càng khan hiếm. Nếu chỉ tính chặt cau về làm đũa mà không tính đến nguồn bảo vệ và phát triển cây cau rừng thì nguồn nguyên liệu sẽ ngày càng cạn kiệt.

Vì vậy mà xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê với vai trò là “bà đỡ” cho các sản phẩm làng nghề cần phải có những chủ trương, biện pháp bảo tồn cây cau rừng gắn liền với việc chống tàn phá tài nguyên rừng. Có như thế thì nguồn cau rừng mới không bị cạn kiệt, không những luôn cung cấp được đủ nguyên vật liệu cho sản xuất đũa mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên rừng vô giá của chúng ta.

Những hộ sản xuất đũa ở đây vẫn miệt mài đi bán những bó đũa cau “nang rưng” trên mảnh đất quê hương mình. Thông qua những chuyến tàu cập bến tại ga Phúc Trạch bà Thanh, ông Hành cũng như bao người dân khác đều mong muốn những chuyến tàu sẽ mang đũa cau “nang rưng” đi đến nhiều nơi, hiện diện trên các bàn ăn lớn nhỏ của ba miền đất nước.

Rời xóm đũa Phúc Trạch lúc trời sập tối, nghe tiếng nói cười của mấy bà, mấy cô thôn nữ hòa vào tiếng bào đũa gấp gáp, đều đặn, lại thấy mừng vì người dân ở đây luôn nặng tình, biết trân trọng, bảo tồn và phát huy những gì đẹp đẽ, thanh cao của quê hương.

HOÀI THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh