Du lịch làng nghề ở đồng bằng sông Cửu Long
- Văn hóa - Giải trí
- 15:20 - 10/09/2016
ĐBSCL có khoảng 210 làng nghề tiểu thủ công, có những làng nghề chỉ nhắc đến các địa phương người ta liên tưởng ngay tới những sản phẩm đặc trưng. An Giang có làng dệt thổ cẩm, đường thốt nốt, mắm cá; Vĩnh Long có làng nghề làm gốm, nghề đan đát; Sóc Trăng có bánh pía, lạp xưởng; Tiền Giang có làng tủ thờ, làng nón bàng buông, mắm tôm chà; Bến Tre có kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm ra từ cây dừa; Kiên Giang có nước mắm, khô mực; Đồng Tháp có làng hoa kiểng, bonsai, cổ thụ…Sự phát triển của làng nghề thủ công mỹ nghệ đã đem về lượng doanh thu hàng ngàn tỷ đồng và nguồn ngoại tệ hàng chục triệu USD thông qua xuất khẩu sản phẩm cho khoảng 50 nước trên thế giới. Các làng nghề đã giải quyết một lượng rất lớn lao động nông nhàn, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập của người lao động tham gia vào các làng nghề tăng gấp 3 - 4 lần so với khoản thu nhập chỉ duy nhất là làm nông nghiệp.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc thu hút nhiều du khách trải nghiệm khi đến xứ dừa Bến Tre.
Mỗi làng nghề có một loại sản phẩm riêng biệt đặc trưng cho mỗi tỉnh trong vùng. Thời gian qua, một số tỉnh ở vùng ĐBSCL đã nắm bắt các cơ hội từ phát triển du lịch, thu hút khách du lịch bằng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc biệt của địa phương mình. Ngược lại khách du lịch cũng có thể giúp quảng bá cho làng nghề thủ công truyền thống một cách rất hiệu quả. Do đó, liên kết cùng phát triển du lịch là xu hướng tất yếu của các làng nghề ở khu vực ĐBSCL. Nhưng hiện nay chỉ có khoảng 30% số làng nghề đã đưa vào hoạt động du lịch. Chính vì thế, việc gắn kết du lịch với phát triển làng nghề tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc khu vực ĐBSCL.
Du khách du ngoạn ở Làng hoa Cái Mơn – Chợ Lách.
Hiện, tỉnh An Giang có 34 làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với dịch vụ phát triển du lịch, trong đó, có 26 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Đặc biệt, 14 làng nghề truyền thống đã tồn tại từ trên 50 năm: Nghề rèn Phú Mỹ (Phú Tân), nghề dệt gấm Mỹ A (thị xã Tân Châu), làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong (thị xã Tân Châu) trên 100 năm, làng nghề mộc Chợ Thủ (Chợ Mới) xuất hiện từ giữa thế kỷ XVIII…cũng là những địa chỉ thu hút du khách. Vài năm trở lại đây, An Giang có thêm nhiều làng nghề mới sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng được khách du lịch ưa chuộng, xuất khẩu nhiều, được làm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương: Nghề dệt chiếu Uzu, mỹ nghệ tre bông, tranh lá thốt nốt, thắt bính lục bình.
Trong quá trình gắn kết du lịch với phát triển làng nghề thủ công nghiệp, trên địa bàn An Giang đã hình thành 6 điểm “gắn kết” với tuyến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng với làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh; làng nhang Bình Đức (TP Long Xuyên), làng dệt thổ cẩm Châu Giang (thị xã Tân Châu) gắn với Trung tâm Du lịch cộng đồng Châu Phong; làng dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng sản xuất đường thốt nốt An Phú (huyện Tịnh Biên) gắn với mô hình du lịch nông nghiệp; làng nghề mộc Chợ Thủ gắn với mô hình du lịch sinh thái cù lao Giêng. Từ gắn kết du lịch với hoạt động làng nghề thủ công nghiệp có trên 6.300 hộ dân với gần 20.000 lao động nông thôn có thêm việc làm, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng. Giá trị sản xuất hàng năm từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đạt trên 500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 300 ngàn USD. Mấy năm gần đây, tại cù lao Ông Hổ quê hương Bác Tôn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên), có nhiều hộ tổ chức du lịch “homestay”.
Du khách khám phá làng nghề chế biến kẹo dừa đặc sản của Bến Tre.
Nhà chị Hồ Thanh Vân, một điểm du lịch “homestay” ở xã cù lao Mỹ Hòa Hưng cũng mở quán phục vụ du khách với những món ăn bình dị nhưng hấp dẫn. Chị Vân chia sẻ: “Đối với khách nước ngoài, ngay tính cách bình dị, phóng khoáng, dễ gần của người dân đã thu hút họ. Khi tham gia dự án du lịch nông dân, chúng tôi còn được tập huấn kiến thức về phục vụ khách, chế biến các món ăn ngon, hợp khẩu vị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách thưởng thức. Qua đó tạo ấn tượng tốt để khách quay lại lần sau”.
Xứ dừa Bến Tre đang sở hữu 45 làng nghề được công nhận (có 27 làng nghề nông nghiệp và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp). Trong đó có 19 làng nghề truyền thống; 7 nhóm nghề của 63 ngành nghề nông thôn với 30.552 cơ sở. Nhiều làng nghề đã được công nhận và thu hút khách hàng cũng như khách du lịch: Làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa ở Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, TP Bến Tre; làng nghề dệt chiếu ở Nhơn Thạnh (TP Bến Tre), An Hiệp (huyện Châu Thành); làng nghề hoa kiểng, cây giống Vĩnh Thành (huyện Cái Mơn) và các xã của huyện Chợ Lách; làng nghề đúc lu Hòa Lợi, làng nghề bó chổi cọng dừa ở xã Mỹ An (Thạnh Phú); làng nghề đan đát Phước Tuy (huyện Thạnh Phú); làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ (huyện Ba Tri); làng nghề cá khô ở An Thủy (huyện Ba Tri), Bình Thắng (huyện Bình Đại); làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm)... với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất công nghiệp) và thu hút trên 20.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Với sự đa dạng về ngành nghề, các sản phẩm đã được bán khắp trong, ngoài tỉnh, xuất khẩu ra nước ngoài và được khách hàng, du khách rất ưa chuộng...
Dừa là loại cây đặc trưng gắn liền cuộc sống người dân nơi đây, những rừng dừa bao phủ ba dải cù lao với 63.000ha đã chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước. Ông Lê Văn Luông, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Thời gian gần đây, du lịch Bến Tre thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế tham gia loại hình du lịch sinh thái, chạy xe đạp vòng quanh các tuyến đường ở nông thôn để tìm hiểu chợ nông thôn, tận mắt ngắm nhìn cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân xứ dừa. Các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, trong chương trình tour du lịch Bến Tre cũng đưa du khách đến tham quan trải nghiệm những nét độc đáo của làng nghề ở Bến Tre. Đặc biệt là hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) và bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm).
Mỗi làng nghề là một nét văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa của vùng. Du lịch phát triển tạo thêm cơ hội đầu tư cho các làng nghề, tạo cơ hội xuất khẩu sản phẩm thủ công truyền thống tại làng nghề; tạo cơ hội giao lưu văn hóa bản địa và văn hóa của khách du lịch nước ngoài; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ; kích thích phát triển cơ sở hạ tầng thông qua hoạt động du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của làng nghề.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc