CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:01

Bài toán xây dựng phát triển thương hiệu làng nghề

Cần đào tạo đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp

Theo thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, 90% sản phẩm của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của nước ngoài. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh về thiết kế. Nguyên nhân là do các cơ sở làng nghề tham gia sản xuất hàng xuất khẩu chưa chú trọng đến vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ phát triển làng nghề cho biết, thực tế tại những làng nghề cổ xưa nhất của Việt Nam như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... cũng khó có thể tìm được mặt hàng sáng tạo, mẫu mã mới.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, dù đã bị mai một nhiều, nhưng cả nước vẫn còn khoảng 5.092 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết trong số này đang hoạt động tự phát, manh mún, và có cùng thực trạng như trên. Cùng với đó là việc thiếu tính định hướng, liên kết, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên không tạo được sự đa dạng trong mẫu mã sản phẩm. Từ đó không tiếp cận được những đơn hàng lớn. Với bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường hiện nay, thì mẫu mã sản phẩm là một yếu tố quyết định thành công. Trong những yêu cầu đặt ra cho hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thì việc thể hiện được tính truyền thống là quan trọng nhất.

Đề cập đến những giải pháp sống còn, tạo bước đột phá trong thiết kế mẫu mã sản phẩm làng nghề, ông Phạm Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, nhìn chung chúng ta chưa có đội ngũ tạo mẫu có trình độ cao trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ. Do vậy, đầu tư cho việc đào tạo các họa sỹ mẫu có trình độ chuyên nghiệp là sự đầu tư khôn ngoan để giúp ngành thủ công mỹ nghệ phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và làm được như thế. Vì một trong các yếu tố mang tính quyết định đến sự sáng tạo mẫu mã sản phẩm làng nghề chính là đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi.

Chưa ý thức về thương hiệu

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Bắc Ninh, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề không đơn giản, vì các làng nghề vốn dĩ có truyền thống sản xuất các sản phẩm đồng loạt, ít chịu khó tìm tòi, thay đổi mẫu mã và đăng ký thương hiệu hoặc bản quyền sản phẩm. Để các làng nghề phát triển và gìn giữ thương hiệu, theo ông Hùng, ngay bản thân các cá nhân tại làng nghề cần phải thay đổi để tự nâng cao chất lượng, tay nghề, công nghệ... sao cho sản phẩm làng nghề tăng sức cạnh tranh và đến gần hơn với người tiêu dùng.

Tại diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với truyền thông và cộng đồng vừa diễn ra, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Ban cố vấn chương trình Thương hiệu Quốc gia cho rằng, có 3 cấp độ trong việc xây dựng Thương hiệu Quốc gia đối với doanh nghiệp, địa phương và cao nhất là quốc gia. Cụ thể, với doanh nghiệp, thương hiệu gắn với sản phẩm, chất lượng; còn với địa phương cần bàn đến thương hiệu của làng nghề gắn với chỉ dẫn địa lý, thương hiệu điểm du lịch tại địa phương và chính địa phương. Thương hiệu làng nghề, vì thế đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế: Giải quyết việc làm, quảng bá du lịch và đóng vai trò như “đặc sản” du lịch vùng.

Trong khi làng nghề rất nhiều, nhưng thương hiệu - như một dấu ấn logo trên sản phẩm, như đồ gỗ Đồng Kỵ, gốm sứ Bát Tràng... để nhận diện sản phẩm, đến nay vẫn còn đang loay hoay. Được biết, TP. Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề. Theo đó, kinh phí hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề năm 2015 được thành phố duyệt là 4,8 tỷ đồng, trích từ Quỹ Xúc tiến thương mại của thành phố. Việc hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện để các làng nghề Hà Nội bảo tồn và phát triển thương hiệu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc...

Để bảo vệ thương hiệu cũng như giá trị sản phẩm làng nghề, nâng cao tính cạnh tranh, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là rất quan trọng. Bà Nguyễn Thị Tâm, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, cũng là nghệ nhân làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc (Hà Đông), cho rằng: “Để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ, vì xây dựng thương hiệu thì phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và cần sự hỗ trợ của mỗi địa phương cũng như sự quan tâm của mỗi làng nghề và của từng cá nhân tại làng nghề”. 

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh