CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:14

Độc đáo chùa Đất Sét Sóc Trăng

 

Chùa Đất Sét tọa lạc tại khóm 1, phường 5 cách trung tâm TP Sóc Trăng 2 km, là nơi tu tại gia của dòng họ Ngô, được xây dựng lần đầu cách nay khoảng 200 năm. Chuyện về kiến trúc cũng như hàng ngàn bức tượng thờ lớn, nhỏ bằng đất sét trong chùa đã trở nên huyền thoại và mang đậm màu sắc tâm linh.

Điều khiến du khách ngạc nhiên và thích thú là những pho tượng được sắp xếp trưng bày thật hài hòa, sinh động theo quan niệm phong thủy của triết học phương đông, với sự đồng hiện của tư tưởng tam giáo: Phật –Nho – Lão).

Qua đó, du khách cảm nhận sâu sắc rằng, tác giả đã rất dụng công tạo tác, giử gắm tâm nguyện của mình vào từng đường nét của tất cả những pho tượng ấy.  Từ tượng A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thích Ca Mâu Ni, đến Ngọc Hoàng Thượng Đế, Khổng Tử và những linh thú: Bạch Tượng, Kỳ Lân, Long Mã, Bạch Hổ…đều rất tinh xảo, khiến người xem không ngờ đó là những pho tượng được tạo ra từ đất sét.

Đặc biệt công phu là pho tượng “Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận”, với 1000 cánh sen, trên mỗi cánh là một vị thần ngự; phía dưới đài sen còn có “bát qoái thiên tiên”, gồm 8 cung: Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài, mỗi cung có 2 tiên nữ đứng hầu, dưới cùng là Tứ Đại Thiên Vương Trấn giữ…

Nhưng, Chùa Đất Sét không chỉ độc đáo về sự công phu trong nghệ thuật tạo tác các pho tượng, mà còn độc đáo bởi nơi đây còn có 8 cặp đèn cầy (cây nến) khổng lồ cao hơn 2m, ngang 1m, làm bằng khoảng 200kg sáp, đúc vào năm 1940, trong đó có 2 cây nhỏ hơn đã được thắp lên khi ông Ngô Kim Tòng (tác giả của hàng trăm pho tượng đất sét) viên tịch vào ngày 18/7/1970, giờ vẫn ngày đêm tỏa sáng.

Trong lần vào chiêm bái ngôi chùa có một không hai này, tôi được ông Ngô Kim Giảng (hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ Ngô), đã ngoài 90 tuổi, đôi mắt đã mờ yếu, nhưng trí nhớ còn cực kỳ minh mẫn cho biết rất chi tiết về ngôi chùa và người kỳ công sáng tạo ra sự độc đáo của những pho tượng kể trên.

 

Tượng voi trắng là một trong số hàng trăm pho tượng được làm bằng chất liệu đất sét rất công phu và sinh động


Theo thuyết minh của ông Giảng (vừa quản lý, chăm sóc vừa kiêm luôn hướng dẫn viên cho du khách), ngôi chùa do ông Ngô Kim Tập lập nên để tu tại gia và được trùng tu 1 lần vào năm 1906, có 24 cốt bằng đước, mái lợp lá dừa nước.

Năm 1909, ông Ngô Kim Đính (hậu duệ đời thứ 3) sinh người con trai là Ngô Kim Tòng, nhưng càng lớn Ngô Kim Tòng càng đau ốm liêm miên, đến năm 20 tuổi thì bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình đưa ông vào chùa cầu khẩn trời Phật.

Rồi như có một phép màu kỳ diệu, vừa uống thuốc Nam, vừa tập dưỡng sinh, luyện thiền tĩnh tâm nên Ngô Kim Tòng hết bệnh và nhanh chóng hồi phục. Để trả ơn trời Phật, đã phù hộ, độ trì ông Tòng ở lại tu luôn và có ý định trùng tu lại ngôi chùa cho khang trang hơn.

Nhưng, cái khó là nếu đúc tượng bằng đồng, hay kim loại dát vàng thì rất tốn kém. Một hôm nằm chiêm bao thấy có người mách cách nặn tượng bằng đất sét, thế là ông Tòng theo đó mà thực hiện. Đất sét đem về được ông xử lý qua nhiều công đoạn, trước tiên là phơi cho khô, đem vào cối giã nhuyễn, sàng lọc kỹ lưỡng, rồi gạn lấy phần đất mịn trộn với than đước, trở thành một thứ chất dẻo hỗn hợp dùng để nặn tượng.

Năm ấy ông Tòng tròn 20 tuổi, chưa hề được học về nặn tượng, nhưng ngày nối ngày, ròng rã 42 năm trời ông miệt mài, kiên nhẫn nặn, gọt, sơn vẽ một cách tỷ mẩn đầy hào hứng, thăng hoa như một người lên đồng, tạo nên hàng trăm pho tượng thật sống động, độc đáo về nghệ thuật điêu khắc.

Ngay sau khi phần sửa chữa trùng tu và trang trí nội thất ngôi chùa được hoàn tất, thì cũng là lúc ông Tòng viêm tịch tại chùa, thọ 62 tuổi. Hiện nay ngôi chùa độc đáo này vẫn do dòng họ Ngô trực tiếp quản lý, chăm sóc, bảo tồn hiện vật và chủ yếu lấy nguồn thu từ lòng hảo tâm của du khách thập phương đến chiêm bái để trang trải mua nhang, đèn, hoa, trái thờ phụng hàng ngày.

Ông Ngô Kim Giảng cho biết, dòng họ Ngô mong muốn có sự chung tay, góp sức của các ngành chức năng để cùng quản lý, bảo tồn công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo này tránh khỏi nguy cơ xuống cấp trong một tương lai không xa.

 

 

 

 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh