Độc đáo chùa cổ Úc Sơn và những pho tượng quý hiếm cần được tu bổ, bảo tồn
- Văn hóa - Giải trí
- 09:10 - 28/12/2021
Nét độc đáo làm nổi bật kiến trúc của ngôi chùa cổ
Chúng tôi đặt chân tới cụm di tích đình, chùa Úc Sơn nằm ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Chùa Úc Sơn là một trong số ít các ngôi chùa cổ còn giữ được quy mô kiến trúc độc đáo nhất Phú Bình. Chùa được xây dựng từ năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707), với kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc” (bên trong có hình chữ Công, bên ngoài có hình chữ Quốc).
Bước tới ngôi chùa cổ kính, ta nhìn thấy rõ cấu trúc phân thành 3 cấp rõ ràng. Tại cấp cao nhất, có một tảng đá ngay ở bậc tam cấp lên chùa chính khiến ai đến cũng thầm hỏi “Vì sao vẫn để tảng đá ở chỗ đó?”. Đây chính là tảng đá tự nhiên vốn nằm ở vị trí đó, khi xây dựng chùa thì nó vẫn được giữ nguyên vị trí. Có lẽ đó là ý tưởng của các bậc tiền bối từ lúc xây dựng chùa, muốn tôn trọng sự hài hòa của thiên nhiên với những gì mà tạo hóa đã sắp đặt.
Nhìn kĩ hơn, từ cấp thứ 2, ta có thể thấy cả ngôi chùa và tảng đá kết hợp thành hình con rùa tạo nên nét độc đáo riêng cho ngôi chùa cổ. Hình tượng con rùa được biết đến là một trong “tứ linh thần thú” trấn giữ bốn phương.
Nét độc đáo của ngôi chùa còn được thể hiện qua kiến trúc khác lạ với 2 giếng trời cân xứng ở 2 bên. Thiết kế này giúp cho ngôi chùa cổ vốn rất thấp lấy được đủ ánh sáng, là nơi tụ vượng khí cho cả ngôi chùa. Với chiều cao khiêm tốn, không gian nhỏ hẹp nhưng 2 giếng trời làm cho lượng gió tự nhiên được tràn vào trong chùa nhiều hơn, rất thông thoáng khiến ai vào chùa cũng có cảm giác thoải mái, dễ chịu lạ thường. Có thể nói, 2 giếng trời chính là nét kiến trúc đặc biệt, đầy tinh tế, là điểm nhấn làm nổi bật kiến trúc của ngôi chùa.
Khi tới Ban Đức Chúa hay còn gọi là Đức Ông, ngài ngồi trên ngai rồng ba móng uy nghi. Rồng tượng trưng cho con vật cao quý, mang ý nghĩa vũ trụ và nhân sinh, là biểu tượng linh thiêng trong tín ngưỡng văn hoá dân gian nước ta. Rồng được tin là linh vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng, sự thông thái; đồng thời còn là sứ giả để gửi gắm những ước vọng trong đời sống, cầu mưa thuận gió hoà, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hình tượng rồng ba móng vốn xuất hiện từ thời nhà Lý, còn được gọi là rồng văn hay rồng Phật giáo. Trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, rồng ba móng được dùng cho tầng lớp quan viên các cấp. Tượng Đức Ông ngồi trên ngai rồng không những biểu thị sự linh thiêng mà còn khẳng định sự cao quý của ngôi chùa cổ này.
Chùa Úc Sơn là ngôi chùa duy nhất còn thờ Mẫu mẹ Thị Kính. Hiện trong chùa Úc Sơn còn lưu giữ được 16 cột đá, trong đó có 2 cột ở gian tiền đường nối với thượng điện được khắc chìm chữ Hán ghi tên những người công đức tu tạo chùa và ghi niên hiệu “Hoàng triều Bảo Thái cửu niên thập nhị nguyệt cốc nhật” (1728). Một cây hương đá có niên đại “Vĩnh Thịnh thứ 3” (năm 1707). Một bia đá Hậu Phật Bi Ký khắc chữ Hán hai mặt. Có lẽ chùa Úc Sơn là nơi còn lưu giữ được nhiều cột đá cổ kính nhất trong kiến trúc các chùa ở Thái Nguyên.
Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 9 bát hương cổ thời Lê, những di vật quý không phải chùa nổi tiếng nào cũng có và hệ thống tượng Phật khá phong phú với 23 bức tượng làm bằng đất sét luyện kỹ sơn son thếp vàng và nhiều đồ thờ khác độc đáo.
Đối với Đình Úc Sơn trước đây được xây dựng khá khang trang gồm có nghi môn, tiền tế, tòa đại đình, hai dãy nhà tả vu, hữu vu. Hiện nay chỉ còn tòa đại đình còn khá nguyên vẹn, các hạng mục kiến trúc khác đã bị phá hủy trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến chống Pháp năm 1947. Kiến trúc ngôi đình làm bằng gỗ và nhiều mảng chạm khắc nghệ thuật với đề tài tứ linh, tứ quý của thời Nguyễn. Dựa vào các hiện vật hiện có trong đình, đặc biệt là chiếc bia đá “Hậu thần bi ký” có niên hiệu Hoàng triều Cảnh Thịnh lục niên (1798) có thể thấy thời gian xây dựng ngôi đình từ những năm đầu thế kỷ XVIII (trước năm có bia). Đình là nơi thờ thành hoàng làng Dương Tự Minh, thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa. Đình Úc Sơn không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân mà còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đình là nơi đóng quân và làm việc của một số cơ quan, đơn vị bộ đội như quân khí, quân nhu, xưởng sản xuất ống tiêm, tiểu đoàn Thiên Đức…
Những bức tượng trên 300 năm tuổi bị hư hỏng nặng cần sớm được tu bổ
Cụm di tích đình, chùa Úc Sơn hiện vẫn giữ được khá nguyên vẹn những kiến trúc cổ thời Lê, với những điêu khắc đá, gỗ chứa đựng những nét độc đáo quý hiếm có giá trị lịch sử mang phong cách nghệ thuật qua các triều Lê-Nguyễn. Tuy nhiên, cụm di tích đình, chùa Úc Sơn hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là ngôi chùa, và những bức tượng có niên đại hơn 300 năm đang bị nứt, vỡ, mối xông, đối mặt với nguy cơ hư hỏng hoàn toàn.
Mặc dù cụm di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, song việc đầu tư tôn tạo nhiều năm nay không có.
Thầy Thích Thánh Nghĩa, trụ trì chùa Úc Sơn cho biết, ngôi chùa cổ cùng với các bức tượng Phật là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật được làm từ đất sét nung, cốt bằng cọc tre, nhồi rơm, đắp mật mía rồi sơn thếp phủ lên pho tượng, vẫn giữ được đến ngày nay là rất quý hiếm và linh thiêng. Đáng chú ý các bộ tượng Phật mặc y phục có cổ áo vạt chéo là của người Việt cổ. Những pho tượng này cần được trân trọng gìn giữ.
Do ban thờ được làm từ đất hơn 3 thế kỷ nên cứ đến mùa mưa mối lại đùn lên thành các mô đất dần phá hủy các pho tượng lớn. Ban Đức Chuẩn Đề các tay ấn bị gãy phải dùng tạm các dây sắt nhỏ cố định lại. Ban Đức Ông được ngồi trên ngai rồng nhưng các ngai đều đã bị nứt gãy do ẩm thấp, mối mọt. Thầy Thích Thánh Nghĩa buồn rầu chia sẻ: "Đặc biệt là nhà chính điện theo sự phong hóa của thời gian cũng đã bị xuống cấp rất nhiều. Đồng thời có nhiều tổ mối xông đùn lên thành những đống đất to; phần mái nhiều chỗ bị dột, vì kèo bị mối mọt nhiều… nguy cơ đổ bất cứ lúc nào "…
Thầy Thích Thánh Nghĩa vô cùng lo ngại mỗi khi trời đổ mưa giông bão, chùa bị thấm dột rất nặng, nhất là tại vị trí ban Hộ Pháp, ban Kim Cương. Khi đó, thầy trụ trì đành dùng áo che mưa khoác lên che chắn cho các tượng Phật quý hiếm này. Tại ban Quan Âm Tống Tử các tượng nhỏ không còn nguyên vẹn, bị gãy rụng, được xếp gọn lại chờ đợi tu bổ.
Theo nghệ nhân quốc gia Việt Bằng, Chùa Úc Sơn rất cần được tu bổ, bảo tồn để giữ lại nét truyền thống và cổ kính riêng có. Đồng thời các pho tượng quý hiếm linh thiêng bị hư hại cần được tu bổ, bảo tồn khẩn cấp, phải giữ nguyên cốt, chỗ nào không còn nguyên vẹn, bị thất lạc, bị thiếu do gãy, rụng ra, như thiếu chân, thiếu tay thì có thể đắp mới, hoặc bồi lại, sau đó dùng hoá chất để bảo vệ bên ngoài rồi dùng công nghệ mới sơn lại toàn bộ tượng sơn son thếp vàng.
Thầy Thích Thánh Nghĩa - Trụ trì chùa Úc Sơn cho biết, để xây dựng tu bổ lại ngôi chùa cổ đang xuống cấp, lưu giữ những nét bản sắc cổ kính, tháng 8-2020, nhà chùa đã làm đơn gửi chính quyền địa phương xin phép được tu bổ nhưng đến nay chưa có hồi âm. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi cũng như các phật tử là được các cấp chính quyền, ngành chức năng xem xét, đồng ý để sớm đầu tư, tôn tạo để cụm đình, chùa phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này.