THỨ SÁU, NGÀY 18 THÁNG 10 NĂM 2024 01:28

Bảo tồn và khai thác giá trị văn hoá Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của người Mông

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá giới thiệu lịch sử, văn hoá và tiềm năng du lịch bản địa đến với du khách.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá giới thiệu lịch sử, văn hoá và tiềm năng du lịch bản địa đến với du khách.

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, đông người tham gia nhất, được coi là lễ hội tiêu biểu và đặc sắc nhất của người Mông. 

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con trai... Gia đình sẽ tổ chức lễ Gầu Tào trong 3 năm hoặc 5 năm mời anh em, họ hàng, bà con người Mông đến chia vui và tạ ơn các vị thần đã giúp đỡ. Sau một thời gian về nhà mà người vợ mang thai, sinh được người con như ý muốn thì gia đình sẽ tổ chức Lễ hội Gầu Tào như đã hứa với các vị thần.

Nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ đó, lúc đầu nó chỉ đơn thuần là gắn liền với việc cầu tự “cầu con”, do một gia đình nào đó trong làng đứng lên tổ chức nên chỉ những gia đình giàu có  mới tổ chức được lễ hội này.

Từng có nhiều năm lễ hội Gầu Tào không được tổ chức, tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, lễ hội dân gian truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu này đã được phục dựng lại. Hiện nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng làng. Bởi vậy, ngoài ý nghĩa ban đầu của lễ hội là cầu phúc, cầu mệnh đã có sự biến đổi, nâng tầm thành lễ hội của bản làng với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tùy từng vùng người Mông mà lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau. Theo truyền thống trước đây của người Mông, lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 Tết Âm lịch, hiện nay nhiều vùng chọn tổ chức vào ngày thìn (rồng) của đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội hay được tổ chức ở một số vùng của người Mông như: Pha Long - Mường Khương; San Sả Hồ - Sa Pa; Phong Liên - Bảo Thắng... tạo nên không khí rộn ràng đầu xuân trên khắp các vùng người Mông ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu…

Trên thân cây nêu, đồng bào Mông thường treo một dải vải chàm màu đen hoặc đỏ, một cút rượu, một túm ngô hoặc thóc, một xâu tiền bạc.

Trên thân cây nêu, đồng bào Mông thường treo một dải vải chàm màu đen hoặc đỏ, một cút rượu, một túm ngô hoặc thóc, một xâu tiền bạc.

Cây nêu là biểu tượng chính linh thiêng trong lễ hội Gầu Tào của người Mông, do đó, câu nêu luôn được chọn rất cẩn thận, phải là những cây thẳng, không bị sâu, không bị cụt ngọn, đặc biệt là không chọn cây đổ. Khi chặt cây, người chủ cúng hoặc chủ nhà phải thắp hương cầu khấn các vị thần để xin chặt cây, sau đó mới được chặt. Cây nêu được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất. Ông Sùng A Vờ, một người am hiểu tập tục của tổ tiên, chia sẻ, ngọn cây nêu bao giờ cũng hướng về hướng Đông, là hướng sinh, với mong muốn của người Mông là cầu sinh con, cũng là hướng của mặt trời mọc, với mong ước mùa màng bội thu, cầu cho sức khỏe của bản làng.

Trước khi dựng cây nêu, chủ cúng phải mổ gà, thắp hương khấn các vị thần đồi, thần núi xin phép cho gia đình tổ chức Lễ hội Gầu Tào ở đó rồi mới được dựng. Tùy từng vùng người Mông mà họ dựng một cây như vùng người Mông ở Mường Khương, Sa Pa; còn vùng người Mông ở khu vực Yên Minh, Đồng Văn, Hà Giang họ dựng 3 cây. Cây nêu tượng trưng cho chiếc thang đưa lời cúng của các vị thần lên tới trời cao, còn vùng người Mông ở Hà Giang họ dựng ba cây tượng trưng cho ba chiếc cột chống trời. Trên thân cây nêu họ thường treo một dải vải chàm màu đen hoặc đỏ, một cút rượu, một túm ngô hoặc thóc, một xâu tiền bạc. Dưới gốc cây nêu họ đặt đồ lễ dâng lên các vị thần linh.

Nghi lễ cúng tế cầu mong thần linh ban cho sức khỏe, mùa màng bội thu trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì)

Nghi lễ cúng tế cầu mong thần linh ban cho sức khỏe, mùa màng bội thu trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì)

Việc cúng lễ ngay dưới gốc cây nêu là để cầu trời đất để thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, người người khỏe mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, trồng trọt, chăn nuôi sinh sôi, được mùa… 

Luôn thu hút đông giới trẻ tham gia

Sau khi làm xong lễ cúng tế cầu mong thần linh ban cho sức khỏe, mùa màng bội thu, phần hội bắt đầu với các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, thể thao dân tộc diễn ra sôi nổi. Các thanh niên trai tráng trong bản  sẽ cùng nhau thi leo lên cây nêu này, ai leo giỏi lấy được chai rượu, bó lúa và tấm vải đỏ buộc trên ngọn cây nêu nghĩa là hái được lộc trời cho cả năm mạnh khoẻ, sung túc. Chính vì thế, tất cả thanh niên trong các bản Mông đều rất háo hức tham gia hoạt động này.

Các chàng trai, cô gái người Mông lần lượt thử tài nhau qua các điệu múa sênh tiền, múa khèn, hát giao duyên. Đặc biệt, trong dịp này, nhiều trò chơi thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, đánh quay, đẩy gậy, kéo co, đá bóng, đi cà kheo… luôn thu hút đông đảo thanh niên trong làng tham gia khiến không khí lễ hội càng thêm phần rôm rả, tưng bừng, nhộn nhịp.

Để khẳng định giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học cũng như sự cần thiết bảo vệ và phát huy di sản này, Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (tháng 12 năm 2012), loại hình Lễ hội truyền thống.

Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoàng Su Phì Nguyễn Việt Tuân cho biết: Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, Lễ hội Gầu Tào của người Mông còn trở thành điểm hẹn văn hóa của bà con trong vùng và du khách thập phương. Các trò chơi dân gian tại lễ hội luôn thu hút đông đảo sự tham gia, trải nghiệm của khách du lịch.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh