Độc đáo, ấn tượng tiếng sáo Hoài Phan
- Văn hóa - Giải trí
- 13:19 - 06/10/2016
Quen biết ông khoảng gần 10 năm nay, nên tôi có nhiều dịp được ngồi lai rai đối ẩm, trò chuyện với ông ở Văn Nghệ quán 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM. Những lúc như thế, trước khi giã từ anh em văn nghệ sĩ để trở về Cần Đước, Long An bao giờ ông cũng “đãi” một chương trình văn nghệ bằng những cây sáo trúc do chính ông làm ra. Ông thổi đủ các loại sáo trúc từ cỡ nhỏ bằng ngón tay út, tới loại to như ngón chân cái với đủ cung bậc và điệu thức cũng như phong cách ngâm thơ ba miền Bắc, Trung, Nam.
Nhưng thu hút người nghe hơn cả chính là cái biệt tài thổi sáo bằng mũi của ông. Chiêu thổi độc đáo này tạo một ấn tượng mạnh đối với người nghe, bởi ông có thể bắt chước hệt tiếng chim hót qua tiếng sáo của mình. Bằng những cây sáo trúc đủ kích cỡ, ông đã mê hoặc người nghe với tiếng sáo như tiếng hót véo von của hàng chục loại chim như: Họa mi, chích chòe than, chích chòe lửa, chào mào, cu, sáo, chèo bẻo và cả tiếng gọi bầy của khúm núm, bìm bịp, chim quốc...
Ông nói, tuy mê thổi sáo và ngâm thơ từ nhỏ, nhưng cơ duyên để ông gắn bó với nghiệp này là từ khi tình cờ gặp gỡ, quen biết với nhà thơ, soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà trong lao tù thời chế độ Ngô Đình Diệm đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Chính nhà thơ, soạn giả cải lương Kiên Giang Hà Huy Hà (tác giả bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài trên áo tím), sau khi cả hai được ra tù đã dẫn dắt ông vào con đường hoạt động văn nghệ, trong Ban Thơ văn Mây Tần. Với chất giọng ấm áp truyền cảm ông đã chắp cánh cho bao áng thơ thăng hoa, chinh phục, làm rung động bao trái tim người yêu thơ và trở thành một giọng ngâm được nhiều khán giả mến mộ của Ban Thơ văn Mây Tần Sài Gòn trước 1975.
Ông cho biết, chính từ chỗ mê ngâm thơ, nên ông cũng mê luôn cây sáo trúc. Ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian để theo học kiểu truyền dạy với các bậc đàn anh nổi danh trong làng sáo trúc Sài Gòn thời đó, như nghệ sĩ Tô Kiều Ngân, Nguyễn Đình Nghĩa...Theo ông, học để biết thổi sáo thì cũng không có gì khó lắm, nhưng thổi cho hay, ngoài sự đam mê còn đòi hỏi sự công phu hơn từ cách giữ hơi, nhấn hơi, luyến hơi, vuốt hơi đến kỹ thuật đánh lưỡi (đơn, kép, tam), hoặc cách rung lưỡi và ngón vỗ...
Nghệ sĩ Hoài Phan có biệt tài thổi sáo giống tiếng hót của rất nhiều loài chim và là người cải tiến thành công cây sáo trúc với bộ sáo 7 cây cho 7 tông khác nhau khi thổi.
Là người thích khám phá và sáng tạo, từ trước năm 1975, ông đã mày mò làm sáo trúc (loại sáo ngang) vừa để sử dụng, vừa bán ra thị trường. Những cây sáo ông làm cũng rất kỳ công tỷ mẩn từ công đoạn chọn ống trúc tới phơi trúc, đánh bóng và khoét lỗ sáo...
Muốn có cây sáo như ý thì trước hết phải lựa chọn được những đoạn ống trúc già rồi đem phơi thật khô, sau đó xử lý bằng cách hơ trên lửa để tránh cho thân trúc co giãn trong những điều kiện khí hậu khác nhau. Khi thấy vỏ ngoài của thân trúc đã lên màu đồi mồi, lại dùng lá chuối khô vuốt cho tới lúc lên nước thật bóng và đẹp mắt mới đem khoét lỗ. Nhìn chung sáo ngang về cơ bản có một lỗ thổi nằm cùng hàng với 6 lỗ bấm. Lỗ âm cơ bản là lỗ khoét cuối cùng ống, quyết định âm trầm nhất khi người thổi bịt kín tất cả những lỗ bấm. Âm trầm này dùng để xác định tên gọi các loại sáo như sáo đô, sáo rê, sáo mi giáng, sáo sol và thông thường sáo ngang có âm vực rộng 2 quãng 8. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm diễn tấu, ông nhận thấy loại sáo ngang có nhiều khuyết điểm như kén người thổi và thổi tốn hơi, khó đạt tới độ chuẩn của âm sắc.
Trăn trở, suy nghĩ nghiên cứu mãi cuối củng vào năm 1990, ông bắt tay vào cải tiến cây sáo trúc theo ý mình và ông đã thành công. Cây sáo trúc cải tiến của ông cũng có 6 lỗ truyền thống, nhưng có thêm lỗ phát âm ở mặt dưới rồi dán tem bằng giấy bạc có chữ made in Hoài Phan và mỗi bộ sáo có 7 cây cho 7 tông trong khi thổi. Ông chính là người đã cải tiến và làm ra cây sáo song thanh ( tức cây sáo có âm vực trầm cách một quãng 8), là loại sáo rất được người thổi sáo yêu thích, nên thương hiệu sáo Hoài Phan có uy tín trên thị trường.
Năm nay đã vào ngưỡng “thất thập cổ lai hy” , nhưng ngọn lửa đam mê và tình yêu với cây sáo trúc của ông vẫn luôn cháy bỏng. Mỗi tuần mưa cũng như nắng, ông vẫn đều đặn chạy xe máy từ Cần Đước, Long An lên Sài Gòn để truyền dạy cho những người học trò mê sáo trúc ở các câu lạc bộ, nhà văn hóa. Sau những buổi lên lớp, ông lại tìm tới quán nhậu gặp anh em văn nghệ sĩ để hàn huyên và khi hứng lên lại diễn tấu sáo trúc, với những khúc nhạc đồng quê trong sáng, réo rắt, tươi tắn thật gợi nhớ, đầy ấn tượng...