THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:19

Đọc báo để lắng nghe tâm tư người dân, doanh nghiệp

 

 

Đây là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp mặt kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016) được tổ chức chiều 21/6 tại Bộ Thông tin & Truyền thông.

Gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể những người làm báo cả nước, Thủ tướng nhắc lại sự hình thành của báo chí cách mạng Việt Nam cách đây 91 năm gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với khởi nguồn tờ báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Ngày nay, với số lượng 850 tờ báo, 17 nghìn nhà báo, 35 nghìn người làm trong lĩnh vực báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Các thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… mà đất nước ta đạt được trong những năm qua đều có sự đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức của nền báo chí trong thời đại mới. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, nhất là internet, 3G, 4G…các tòa soạn báo in đối mặt với sự sụt giảm doanh thu khi mà xu thế người dân chuyển sang báo mạng. Ngay các báo điện tử cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội. Thủ tướng chia sẻ nỗi vất vả trong công việc với đồng lương còn khiêm tốn của các nhà báo mặc dù phải rất bản lĩnh để tránh những cám dỗ của mặt trái của cơ chế thị trường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng toàn thể những người làm báo cả nước.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ truyền thông yêu cầu phải có một cuộc cách mạng mới trong nghề báo, từ báo in, báo hình, báo nói, đến báo điện tử và tiến tới là mạng xã hội. Báo chí cần liên tục đổi mới, sáng tạo để tìm ra hướng đi mới, nội dung mới, phương pháp làm báo mới, cách đưa tin mới thì mới đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Sự thành công của báo chí, thông tin truyền thông có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, xây dựng và phát triển đất nước ta.

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã mang lại sự thay đổi to lớn, từ cách thức điều hành chính phủ, cách thức làm báo, sự tương tác giữa Chính phủ và người dân cũng như nhiều mặt khác của đời sống xã hội. Khả năng tiếp cận internet đã mang tới cho người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc cơ hội tiếp cận thông tin truyền thông nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả. Tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam đã đạt 49 triệu dân, chiếm 52% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á, thứ 13 thế giới. Số thuê bao 3G đạt trên 36 triệu. Có thể nói truyền thông và internet đã trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ người dân, nhất là nông dân làm kinh tế, kết nối và hợp tác.

Thủ tướng nêu ví dụ, ở Quảng Ngãi, nhờ học hỏi kiến thức nhà nông từ báo và thông tin mạng, trang trại hơn 20 sào vừa thanh long ruột đỏ, bầu, cà, ớt... của anh Lâm Văn Chánh ở Mộ Đức cho thu hoạch từ 50-70 triệu đồng. Ở Đà Nẵng, anh Nguyễn Phú Phúc xã Hòa Tiến nhờ tìm hiểu tình hình thời tiết, kỹ thuật trồng cây qua báo mạng nên vườn hoa Tết năm rồi đã không bị hư hại do thời tiết thất thường, thu lãi 35 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ kiến thức từ báo và internet, những người nông dân làng Vũ Đại đã trở nên nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài với món cá kho, đem lại thu nhập cao và việc làm cho nhiều người lao động. Rồi các chương trình phát thanh, truyền hình đã giúp tìm lại những người thân, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích những việc làm tốt đẹp. Tóm lại, báo chí và thông tin đã góp phần thay đổi cuộc sống của từng người dân một cách ý nghĩa như vậy, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời của biết bao người.

Bác Hồ đã từng nói: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý". Từ dó, Thủ tướng mong muốn mỗi nhà báo và toàn ngành thông tin truyền thông hãy thực hiện đúng lời dạy của Bác, hết lòng phục vụ Tổ quốc, nhân dân và chân lý. Mỗi người đề cao trách nhiệm và sứ mệnh của mình với xã hội, nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò của báo chí.

 

Tại buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà báo và lãnh đạo các cơ quan báo chí cần tiếp tục phát huy những thành quả của báo chí đã đóng góp trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động báo chí, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những gương điển hình, người tốt việc tốt, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng và trong toàn xã hội.

Báo chí phải thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, vừa là kênh phản biện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; vừa tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân, vừa góp phần giám sát đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Báo chí của Việt Nam là báo chí cách mạng, mỗi nhà báo là một chiến sỹ trên trận tuyến tư tưởng-văn hóa, phải là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh chống lại các thế lực phản động, thù địch; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động thông tin bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.

Các cơ quan chủ quản và các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí phải thường xuyên quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng; tăng cường kỷ luật kỷ cương. Báo chí cách mạng phải làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với việc khen thưởng thành tích tốt, cũng cần xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động báo chí. Cần sớm triển khai đưa Luật Báo chí 2016 vào cuộc sống, đồng thời cũng nghiêm túc thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về Quy hoạch báo chí.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cũng đề nghị báo chí làm tốt công tác tuyên truyền và phản biện cho hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp. Cùng chung tay xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp liêm chính, minh bạch, hiệu lực hiệu quả; tập trung vào cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp (Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và các văn bản quy định chi tiết các luật mới được Quốc hội thông qua, đặc biệt là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đề nghị báo chí tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân và cùng giám sát việc triển khai thực hiện, nhất là sắp tới 1/7/2016, Chính phủ sẽ ban hành hàng loạt các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh).

Báo chí phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc xã hội. Nhiều vụ việc được điều tra khám phá, nhiều vấn đề phát sinh được chấn chỉnh kịp thời không phải xuấtphát từ cơ quan chức năng mà từ phản ảnh của báo chí. (Chẳng hạn vụ cá chết ở các tỉnh Miền Trung, các địa phương chưa lường hết tính chất nghiêm trọng, chưa kịp thời báo cáo, khi báo chí đưa tin Thủ tướng mới biết để chỉ đạo quyết liệt xử lý). “Tôi đánh giá cao báo chí thời gian qua đã rất tích cực đưa tin, phản ánh các vấn đề nóng như: Phòng chống tham nhũng, lãng phí; an toàn thực phẩm; chống buôn lậu gian lận thương mại; bảo đảm an toàn giao thông... Tuy nhiên, cũng có một số bài báo gây hoang mang cho xã hội, nhiều doanh nghiệp, người nông dân điêu đứng bởi những thông tin giật gân, không đúng sự thật. Đây là những việc phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bác Hồ đã dạy những người làm báo là:“Không biết rõ, không hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh