CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:38

“Doanh nghiệp cũng phải là một chủ thể trong quá trình đào tạo”

“Doanh nghiệp cũng phải là một chủ thể trong quá trình đào tạo” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBVHGD thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội và các doanh nghiệp khai trương khu vực trưng bày Logo tôn vinh doanh nghiệp phối hợp đào tạo với nhà trường

Báo cáo về công tác đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp, Bà Phạm Thị Lan Phương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp cho biết, Quy mô đào tạo của trường trên 3.600 HSSV hệ chính quy và trên 3.500 học viên ngắn hạn. HSSV luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong học tập và rèn luyện với các thầy cô có trình độ cao; được học những chương trình đào tạo tiên tiến, với hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, sinh viên được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp ngay trong quá trình học.
Vì vậy, các kết quả đạt được của học sinh cũng rất đáng tự hào; đã có 02 em HSSV của trường tham gia thi tay nghề quốc tế khối các nước XHCN đạt 1 giải Nhất, 1 giải Ba; 1 em đạt huy chương vàng ASEAN, 34 em đạt giải trong kỳ thi tay nghề quốc gia, hơn 200 em đạt giải kỳ thi tay nghề cấp tỉnh, Bộ và HSG cấp THPT. Trong 5 năm vừa qua, nhà trường đã đào tạo và cung ứng cho xã hội trên 20.000 lao động. 100% các em có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp với thu nhập ổn định từ 6-12 triệu đồng/tháng. 

Đóng góp không nhỏ cho những thành công của nhà trường trong những năm qua, ngoài sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của cơ quan quản lý cấp trên, phải kể đến sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp là những người bạn đồng hành thân thiết cùng nhà trường; đã cùng tham gia xây dựng và chỉnh sửa các chương trình, giáo trình đào tạo; phối hợp hướng nghiệp, tuyển sinh; giảng dạy kỹ năng mềm cho HSSV, đánh giá đầu ra, hỗ trợ học bổng và hỗ trợ thiết bị đào tạo. Tiếp nhận giáo viên và HSSV thực tập trải nghiệm giữa kỳ; tuyển dụng các em sau khi tốt nghiệp. Doanh nghiệp cũng thường xuyên đặt hàng nhà trường đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động tại doanh nghiệp. Đã có những doanh nghiệp gắn kết rất chặt chẽ với nhà trường thực hiện các công tác nêu trên như Công ty Toyota Việt Nam, công ty Honda Việt Nam, công ty VPIC1, Tập đoàn Prime, tập đoàn Viettel chi nhánh Vĩnh Phúc, Công ty Nissin, công ty Cammsys, công ty Hyundai Vĩnh Yên…và nhiều doanh nghiệp khác.

“Doanh nghiệp cũng phải là một chủ thể trong quá trình đào tạo” - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm các xưởng thực hành của Trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những thành tích Nhà trường đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là những nỗ lực gần đây của Nhà trường để khẳng định thương hiệu, thu hút được sự tin tưởng của người học và của doanh nghiệp khi hợp tác với trường trong đào tạo và tuyển dụng lao động, nhất là sự kiện hợp tác với doanh nghiệp ngày hôm nay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa VN tới thịnh vượng. Trong đó, nâng cao chất lượng GDNN là nhân tố quyết định đến lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp; thu hút sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp đột phá. Đây chính là chủ đề của Diễn đàn quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động VN do Thủ tướng Chính phủ chủ trì trong tháng tới.
Để chuẩn bị nhân lực kỹ năng tay nghề cao cho phát triển đất nước, chúng ta cũng đã triển khai nhiều giải pháp. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 37 năm 2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao, chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại cho các trường; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm các cấp độ. Đến nay chúng ta đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp, 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Úc, 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức. Hàng trăm trường nghề đang đào tạo các nghề trọng điểm phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước...

“Doanh nghiệp cũng phải là một chủ thể trong quá trình đào tạo” - Ảnh 3.

: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng hoa Trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp


Bộ trưởng cũng chỉ ra nhưng thách thức trong Cách mạng công nghiệp 4.0: đó là thế giới vẫn cần những lao động có trình độ kỹ năng nghề cao để đổi mới sáng tạo, lập trình và vận hành thiết bị. Khi mà sự thiếu hụt lao động kỹ năng đang là thách thức lớn toàn cầu thì lại chính là cơ hội cho các bạn trẻ, những người đang có sức khỏe, nhiệt huyết, có ước mơ, hoài bão để vươn lên làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống và đóng góp cho sự phát triển của thế giới. Thanh niên VN muốn vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ để khẳng định bản thân, để giúp đỡ gia đình và xã hội, để không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì phải có kiến thức và kỹ năng nghề giỏi, phải làm chủ công nghệ. Và vì vậy, các bạn phải có đam mê nghề nghiệp, phải học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề giỏi trong các cơ sở đào tạo có chất lượng. Với kỹ năng nghề giỏi, các bạn sẽ có cơ hội việc làm và thu nhập tốt; được bạn bè, đồng nghiệp và xã hội tôn vinh. Chính các bạn vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là đòn bẩy để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, qua đó tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để Nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, sớm vươn lên trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao hàng đầu của cả nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị nhà trường và doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp:

Một là, đối với nhà trường, việc Trường ký kết với doanh nghiệp hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực với số lượng 21.500 người trong 5 năm tới, đây là đơn hàng lớn đối với nhà trường. Song khâu tổ chức thực hiện tới đây cần đặc biệt chú ý tập trung tuyên truyền, xây dựng phương án tuyển sinh theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, các bộ và các địa phương; phối hợp ngay với từng doanh nghiệp rà soát, chỉnh sửa lại các chương trình đào tạo, vừa đáp ứng chuẩn đầu ra, vừa cập nhật, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là những yêu cầu của CMCN 4.0. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức dạy học; quá trình đào tạo có sự tham gia của giảng dạy của doanh nghiệp; người học phải được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ nhà giáo, nhà giáo phải thường xuyên được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đổi mới kiểm tra, đánh giá có sự tham gia của doanh nghiệp.
Hai là, đối với các doanh nghiệp : Ngày nay, sự thiếu hụt lao động kỹ năng đang là thách thức lớn toàn cầu, tác động tới từng quốc gia và từng doanh nghiệp. Ở nhiều quốc gia (chẳng hạn như nước Đức), người ta chứng minh được rằng việc doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề một cách thiết thực và hiệu quả sẽ góp phần đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích cho xã hội, kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy giai đoạn đầu cần chi phí một khoản đầu tư ngân sách, nhưng theo thời gian thì càng về sau doanh nghiệp càng thu được nhiều lợi nhuận từ người lao động có kỹ năng tay nghề đem lại. Chính vì vậy, Bộ trưởng đánh giá sự vào cuộc chủ động của các doanh nghiệp thông qua lễ ký kết này, song để việc hợp tác thực chất và hiệu quả, để có 21.500 các em HSSV có tay nghề, có kỹ năng làm việc cao sau khi tốt nghiệp, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, đến tổ chức đào tạo (tham gia giảng dạy; bố trí kế hoạch để người học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp …), đến tham gia đánh giá, kết thúc quá trình đào tạo và tiếp nhận người học sau tốt nghiệp. ''Doanh nghiệp cũng phải là một chủ thể của quá trình này, tương tự như nhà trường. Thực chất quá trình đào tạo này, chính là đào tạo cho doanh nghiệp và doanh nghiệp phải là một nhà trường thứ hai. Đồng thời tạo điều kiện cho nhà giáo của trường đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; trả công cho nhà giáo, người học nếu làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định”.' Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

“Doanh nghiệp cũng phải là một chủ thể trong quá trình đào tạo” - Ảnh 5.

: Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp Phạm Thị Lan Phương và ông Andy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chính xác Việt Nam 1 ký thỏa thuận hợp tác cung ứng 1.800 lao động chất lượng cao do trường đào tạo làm việc cho công ty

Tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp: Công ty Toyota Việt Nam; Công ty VPIC1; Tập đoàn Prime; Tập đoàn Viettel chi nhánh Vĩnh Phúc; Công ty Cammsys; Công ty Hyundai Vĩnh Yên và JHJ Group, bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cam kết trong giai đoạn 2020-2025 sẽ cung ứng tối thiểu 21.500 nhân lực chất lượng cao thuộc các ngành nghề như: Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Điện tử - Điện lạnh, Cắt gọt kim loại, Công nghệ thông tin, Hàn, kỹ thuật máy nông nghiệp, vận hành máy thi công nền, lái xe các hạng…và các ngành nghề ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu xã hội.

VĂN LÝ - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh