CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:58

Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với trẻ em

 

Những nghiên cứu gần đây của UNICEF cho thấy mức độ ảnh hưởng của bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần có ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ em và xã hội nói chung. Xâm hại và bạo lực đối với trẻ em làm thiệt hại khoảng 209 tỉ USD hàng năm ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương, tương đương với 2% tổng GDP của các nước này.

Giám đốc UNICEF khu vực Châu Á Thái Bình Dương Karin Hulshof.

Việt Nam là nước tiên phong về quyền trẻ em trong suốt 25 năm qua, là nước thứ hai trên Thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1990. Việc Quốc hội Việt Nam ban hành Luật trẻ em gần đây là một trong những bước tiến nhằm thúc đẩy quyền trẻ em. Việt Nam đã nỗ lực tiến một bước đột phá trong bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực bằng cách lần đầu tiên đưa vào Luật một phương thức vừa giúp ngăn chặn bạo lực trước khi xảy ra và giải quyết vấn đề khi bạo lực đã diễn ra. Tuy nhiên, Luật trẻ em Việt Nam vẫn quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, không nhất quán với lứa tuổi trẻ em được quy định trong Công ước Quốc tế Trẻ là 18 tuổi. Điều này làm cho những người từ 16- 18 tuổi không được bảo vệ. Vì vậy UNICEF kêu gọi Việt Nam nâng tuổi của trẻ em lên 18 tuổi trong Luật Trẻ em.

"Làm cha mẹ tích cực" để không trừng phạt trẻ.

Một trong những hình thức bạo lực phổ biến mà ¾ trẻ em Việt Nam phải gánh chịu là trừng phạt thân thể, do chính những người có trách nhiệm bảo vệ các em gây ra như cha mẹ, thầy cô giáo và những người chăm sóc trẻ. Điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng và có ảnh hưởng suốt cuộc đời của trẻ. Đôi khi mọi người cho rằng các biện pháp kỷ luật thân thể là tốt cho trẻ. Điều này không đúng – các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách “làm cha mẹ tích cực” có thể có tác dụng tốt hơn là các biện pháp kỷ luật thân thể. Điều này tập trung vào việc tạo ra các ranh giới rõ ràng và nhất quán cho trẻ theo phương pháp hiền hòa tình cảm. Nhưng vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Các chính phủ và xã hội cần hợp tác với nhau để xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em.

Vào 7-8/11/2016, Chính phủ Malaysia sẽ tổ chức một cuộc họp cấp cao mang tên “Một tỉ trí tuệ” (A Billion Brains), cuộc họp cấp cao lần thứ 3 về Hợp tác về Quyền trẻ em, với sự hỗ trợ của UNICEF. Các Bộ trưởng và các nhà hoạt động chính trị cao cấp từ các nước Châu Á Thái Bình Dương sẽ tham dự nhằm tăng cường quyền trẻ em. Bạo lực đối với trẻ em sẽ là một trong ba lĩnh vực ưu tiên trong thảo luận tại kỳ họp này.

Đoàn đại biểu cấp cao đại diện Việt Nam sẽ khẳng định sự cam kết của Việt Nam đối với quyền trẻ em. Tại kỳ họp, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ có cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm và các thành tựu đã đạt được trong việc tăng cường quyền trẻ em, cũng như thảo luận những cơ hội để hợp tác trong khu vực. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra ở khắp nơi nhưng lại diễn ra sau những cánh cửa đóng chặt. Tất cả trẻ em đều có quyền sống trong một xã hội không bạo lực, điều làm tổn hại đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em và làm chậm sự phát triển của xã hội.

Giám đốc UNICEF khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Bạo lực đối với trẻ em là hoàn toàn có thể ngăn ngừa được khi mọi người đoàn kết với nhau và tuyên bố rằng điều này là không thể chấp nhận được. Khi mà họ đưa ra ánh sáng ban ngày những bạo lực ẩn chứa sau mỗi cánh cửa”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh