Ai chịu trách nhiệm về bạo lực học đường?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:13 - 16/10/2016
Nhà trường vẫn thiên về dạy chữ
Ngày 11/10, trường THPT Cẩm Thủy 3 ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, đã ra quyết định đình chỉ học 1 năm đối với 2 nữ sinh đánh bạn bất tỉnh vì mâu thuẫn cá nhân. Được biết, nữ sinh đánh bạn là học sinh cá biệt, đã nhiều lần có gây gổ đánh nhau.
Trước đó tại Nghệ An, 2 nữ sinhTrường THCS Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bị 2 nữ sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) dùng dép tông tát, đánh liên tiếp vào đầu, vào mặt.
Gần đây nhất, một bé gái 13 tuổi đã mang xăng đến đốt trường tại Khánh Hòa vì lỡ thách đố “ngàn like” trên facebook. Mặc dù bé gái đã bỏ học từ một năm trước nhưng đây là bài học cho nhiều cha mẹ học sinh trong việc quản lý con em trước nguy cơ của mạng xã hội.
Đánh giá về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho hay, nhà trường hiện vẫn chỉ lo dạy chữ, chưa có các hoạt động để nâng cao tinh thần cho các em. Nhiều gia đình và nhà trường không biết đưa kĩ năng sống khác nhằm lôi cuốn học sinh khỏi nghiện ngập mạng xã hội. Đáng ra trẻ con phải được chạy nhảy, vui chơi, được sống cuộc sống của các em thì chúng ta toàn bắt học trò làm theo những điều chúng ta áp đặt chứ không phải những điều mà chính các em mong muốn. Chính đời sống tinh thần nghèo nàn, hạn hẹp, không có lý tưởng sống như vậy nên phần nào có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra như trên đây.
Cũng theo TS Lâm, bạo lực học đường liên quan đến ứng xử của các em, đấy là cuộc sống. Nhưng coi việc đánh bạn làm niềm vui thì không thể chấp nhận được. Nhà trường, gia đình và cả xã hội phải thấy được trẻ con dạo này rất dễ suy nghĩ lệch lạc.
“Chúng ta không đồng ý với việc nhiều nhà trường lý giải, việc đánh nhau ở ngoài trường và nhà trường vô can. Đành rằng nhà trường không gây ra nhưng nhà trường đã làm gì, giáo dục gì để xảy ra tình trạng như thế? Do đó, tại Hội nghị này, chúng ta đưa ra để bàn về việc “vì sao phải xây dựng môi trường văn hóa trường học”. Theo tôi được biết, ở Châu Âu, người ta coi vấn đề này là một nguồn lực để phát triển ở từng cơ sở. Do đó, chúng ta cũng nên đặt vấn đề văn hóa trường học là nguồn lực để phát triển chứ không đơn thuần chỉ có vốn hoặc doanh nghiệp mà còn phải có cả con người. Thứ hai, văn hóa là một giá trị, mọi người phải làm lành một thói quen, luôn được lặp đi lặp lại chứ không phải vẽ đẹp, nói hay là thành văn hóa. Làm giáo dục nếu có văn hóa mới bền vững”, TS Lâm nói.
Đây là những sự việc rất đáng tiếc
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Cả nhà trường, gia đình và xã hội đều có trách nhiệm trước tình trạng bạo lực học đường.
“Lâu nay trong trường học đã xây dựng văn hóa trường học bởi môi trường văn hóa trong nhà trường góp phần quan trọng trong việc đào tạo, hình thành phẩm chất, năng lực và hoàn thiện nhân cách của học sinh sinh viên (HSSV). Văn hóa trong trường học gồm nhiều yếu tố, không chỉ là cảnh quan khuôn viên sư phạm nhà trường đến môi trường cơ sở vật chất mà đó còn là quy tắc ứng xử giữa HSSV với nhau và giữa người học với thầy cô giáo và ứng xử với môi trường xung quanh, với cộng đồng, với bè bạn và những yếu tố này góp vai trò rất lớn trong việc giúp HSSV hình thành phẩm chất, năng lực và hoàn thiện sự phát triển”, Thứ trưởng Nghĩa chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng, không phải từ bây giờ mà trước đó, do thấy được vai trò của văn hóa trong nhà trường, năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành chỉ thị 40 về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Từ đó đến nay, hầu hết các nhà trường đã xây dựng những quy tắc ứng xử trong nhà trường, xây dựng khuôn viên, cảnh quan trong môi trường sư phạm.
Nhiều nơi, học sinh đã tiếp thu tích cực, tự giác trong học tập. Về đạo đức học sinh, phần lớn các em học sinh đều có đạo đức tốt. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo trong đó nhấn mạnh chuyển từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực phẩm chất học sinh, chú trọng giáo dục đạo đức, truyền thống, lý tưởng cách mạng, chúng ta cần chú trọng hơn việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường, chú trọng mối quan hệ giữa người học với người học và giữa các thầy cô giáo với nhau và với HSSV.
Chia sẻ về việc, giáo dục đạo đức luôn được ngành giáo dục đưa ra hàng đầu nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường ngày càng nguy hiểm, Thứ trưởng Nghĩa cho biết, giáo dục đạo đức lối sống là nhiệm vụ trọng tâm và hiện nay Bộ GD&ĐT rất quan tâm chỉ đạo. Hiện, Bộ GD&ĐT đang xây dựng một nghị định liên quan đến xây dựng trường học an toàn, thân thiện, lành mạnh để trình Chính phủ. Đây là căn cứ để giáo dục học sinh tốt.
“Việc nữ sinh đốt trường hoặc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian vừa qua là những sự việc rất đáng tiếc, không ai mong muốn. Học sinh ở lứa tuổi THCS là lứa tuổi đang lớn, biến đổi nhiều về tâm sinh lý nên dễ bị tác động, lôi kéo. Vấn đề này, có cả trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình, phải thường xuyên quan tâm, theo dõi diễn biến tâm sinh lý học sinh để uốn nắn nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra”, Thứ trưởng Nghĩa nói.