CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:31

Đại biểu Quốc hội: Bạo lực học đường gây bức xúc trong dư luận

 

Phân tích nguyên nhân vì sao tình hình bạo lực học đường ngày càng gia tăng, bên lề Quốc hội, ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội nhấn mạnh: Có lẽ chúng ta phải đặt bạo lực học đường trong bối cảnh chung của xã hội. 

Giảm bạo lực, vai trò của gia đình rất quan trọng

Thứ nhất, do sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, sự quan tâm của xã hội với nhà trường, do các phương tiện kỹ thuật,… cho nên bạo lực học đường được chú ý hơn.

Ông Thắng nêu ví dụ cụ thể như cùng trường hợp một nữ sinh túm tóc một bạn nữ nào đó, trước đây không có các phương tiện kỹ thuật để quay clip, phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều nên ít người biết đến thì nay, cảnh tượng đó được quay clip rồi đưa lên trạng sẽ có rất nhiều người biết.

Thứ hai, thực tế bạo lực học đường cùng với những bạo lực khác trong xã hội đang có xu hướng gia tăng. Nếu chúng ta lý giải các hiện tượng bạo lực gia tăng, trong đó có cả bạo lực học đường, có lẽ bắt nguồn từ văn hóa ứng xử, đạo đức chung của một bộ phận của người dân thay đổi theo chiều hướng đi xuống. 

ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội

 Theo ông Thắng, đó chính là nguyên nhân chủ yếu. Cũng có những nguyên nhân khác như do có nhiều áp lực trong cuộc sống, cho nên người dân hay học sinh cư xử với nhau cũng nóng nảy hơn, thiếu kiềm chế hơn. Hoặc là trong gia đình, do những sức ép về công việc nên nhiều khi bố mẹ không quan tâm nhiều đến con cái, sự giáo dục của cha mẹ dành cho con ít hơn, con trẻ không ngoan hiền như trước nữa. 

Ông Thắng cho rằng: “Giáo dục của chúng ta đã xác định 3 chủ thể rất rõ, đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Để có kết quả hoàn thiện phương châm giáo dục của chúng ta là phải phát huy vai trò của cả 3 chủ thể đó.

Tuy nhiên, vai trò của gia đình cũng rất là quan trọng vì ngoài thời gian lên lớp, trẻ em ở nhà được bố mẹ quan tâm, để ý, chăm sóc, cho nên những thay đổi nhỏ từ phía các em sẽ được kịp thời phát hiện và uốn nắn ngay.

Nếu phụ huynh dành thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục, nói chuyện với con mình một cách thường xuyên để kịp thời uốn nắn hành động, suy nghĩ lệch lạc của các em thì có thể ngăn chặn được bạo lực, ngăn chặn được những biểu hiện tiêu cực khác cho các em. Vai trò của gia đình là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều áp lực của xã hội như hiện nay. Nếu các bậc phụ huynh không nỗ lực thì khó thực hiện được trách nhiệm của mình với con cái”.

Chia sẻ bí quyết dạy con, ông Thắng nêu rõ: Quan điểm của tôi là không ép buộc, không can thiệp quá mức vào quyền tự quyết của con. Ví dụ như học thêm môn gì, học trường nào thì đều trao đổi với con xem nó có thích học không.

Có những việc bố mẹ cho rằng như thế này hay thế kia sẽ tốt hơn cho con nhưng cũng không áp đặt cho con được, khi đó mình nên tư vấn cho con hiểu. Khi có thời gian đều hỏi thăm, quan tâm tới con, làm bạn cùng con, chia sẻ sở thích với con, có vấn đề gì thì cha mẹ và con cái trao đổi với nhau. Nói chung là cha mẹ cần dành thời gian cho con, cần có sự định hướng các vấn đề cho con.

Giáo dục trẻ em cần kết hợp nhà trường, gia đình và xã hội

ĐBQH Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng (đoàn Đà Nẵng) cho rằng: Hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho trẻ em, phần lớn cha mẹ còn phó mặc cho nhà trường, cho xã hội. Nhưng họ đâu có hiểu rằng, việc giáo dục trẻ em cần kết hợp giữa giáo dục của nhà trường, giáo dục của xã hội và giáo dục của gia đình. Trong đó có giáo dục của gia đình là rất quan trọng.

 ĐBQH Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng

Theo ĐBQH Võ Thị Như Hoa, tại phiên thảo luận ngày 26/10, các đại biểu Quốc hội đã bàn rất nhiều về việc xử lý hình sự đối với trẻ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. 

ĐBQH Hoa nêu ý kiến: “Tôi nghĩ rằng, trong buổi tranh luận này, rất nhiều đại biểu có cùng quan điểm là trong điều kiện số lượng các vụ phạm tội của trẻ em ngày càng gia tăng như hiện nay cần phải có những quy định cụ thể để điều chỉnh. Tôi cũng ủng hộ quan điểm sử dụng các biện pháp giáo dục là chính, nhưng có những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng phải có hình thức xử lý thích đáng để răn đe, để phòng ngừa các trường hợp khác”.

Là ĐBQH nhưng cũng là người mẹ, theo bà Hoa, việc giáo dục con cái trước hết phải là tấm gương của cha mẹ trong gia đình. Con cái sẽ nhìn vào hình ảnh của cha mẹ để học tập, để bắt chước cách đối nhân xử thế, để hình thành ý thức chấp hành pháp luật.

Bà Hoa chia sẻ: “Khi chở con đi ra đường, nếu cha mẹ không chấp hành luật giao thông sẽ là tấm gương xấu để con học tập, bắt chước theo. Tôi nghĩ, hành động cụ thể của cha mẹ là cách giáo dục tốt nhất và việc giáo dục con em trong gia đình là rất quan trọng”.

Bạo lực học đường đang gây nên sự bức xúc trong dư luận

ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) lại cho rằng: Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, chúng ta thấy tình hình vi phạm pháp luật của người chưa đến tuổi thành niên hiện nay đang làm cho dư luận và nhân dân rất bức xúc.

 ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

Người chưa thành niên bây giờ có những hành vi rất nguy hiểm, như gây thương tích và bạo lực học đường. Nhất là tình trạng bạo lực học đường gần đây đang gây bức xúc trong dư luận. Khi đi tiếp xúc cử tri trước khi chúng ta sửa luật khóa XIII, cử tri, nhân dân cũng đề nghị phải xử lý nghiêm bằng biện pháp hình sự để đảm bảo tính răn đe. 

Tuy nhiên theo ông Tám, quan điểm nhân đạo đối với người chưa thành niên là quan điểm xuyên suốt của Đảng và đã được thể hiện nhất quán trong quá trình xây dựng các đạo luật hình sự của nước ta từ trước tới nay, kể từ khi Bộ luật hình sự đầu tiên năm 1985 cũng đã quán triệt tinh thần nhân đạo này rồi.

Quan điểm nhân đạo đó cũng phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em mà nước ta là thành viên và các quy định pháp luật hình sự này ở nước ta từ trước tới nay đều tương thích với pháp luật quốc tế về quyền trẻ em.

Bởi vậy, ông Tám nhất trí với các quy định về việc không xử lý hình sự đối với người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cũng như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Đồng thời, ĐB Tám đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp xử lý, giáo dục khác, ví dụ như các biện pháp giáo dục đưa vào trường giáo dưỡng, các biện pháp ngăn chặn, cải tạo khác để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, như thế sẽ đảm bảo tạo điều kiện cho tương lai của các em trong quá trình phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh