THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:52

Đồng bào Vân Kiều sống gần như biệt lập giữa trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng

Cách trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng khoảng 10km về phía tây, nhưng những hộ dân người Vân Kiều sống tại miền núi Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) lại sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Ngôi làng gần như sống biệt lập với bên ngoài

Từ trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi chạy xe máy lên đến km số 9 đường 20, rẽ trái để vào bản Rào Con, đến đây chúng tôi mới thấm câu nói: "Đường về Rào Con tuy gần mà xa". Tuy khoảng cách chỉ 10km, nhưng vì địa hình rừng hiểm trở, cộng với trời vừa mưa nên cả con đường chìm ngập trong nước và bùn lầy.

Vừa đi, chúng tôi vừa nhảy cóc, trèo lên trượt xuống, có những đoạn phải đẩy bộ mới có thể qua được. Thỉnh thoảng, có người dân Rào Con đi bộ ngang qua dừng lại quan sát, rồi họ hỏi bằng tiếng Kinh lơ lớ kèm ánh mắt đầy cảm thông: "Sao không đi bộ cho nhanh? Chứ đi xe máy lâu lắm mới tới".

Kỳ 1: Đồng bào Vân Kiều sống gần như biệt lập giữa trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 1.

Gian nan con đường vào bản Rào Con.

Sau 1 giờ đồng hồ trầy trật với đoạn đường bùn lầy, chúng tôi cũng đặt chân được đến bản. Ấn tượng đầu tiên khi đến Rào Con chính là cảm giác lạc vào một thảo nguyên giữa núi rừng. Rào Con nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi hùng vĩ của vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng đất đai lại bằng phẳng, rộng rãi cùng với cảnh thiên nhiên nhiều hoang sơ.

Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng cuộc sống của người dân nơi đây lại đầy rẫy khó khăn và thiếu thốn. Toàn bản có 55 hộ dân đồng bào Vân Kiều với hơn 200 nhân khẩu, nhưng tất cả đều thuộc diện hộ nghèo.

Đi một vòng quanh bản, chúng tôi phát hiện ra tất cả những gia đình trong bản đều không có điện sinh hoạt, họ sinh sống trong những nhà sàn lợp tôn theo đúng kiến trúc nhà ở lâu đời của dân tộc mình. Trong bản cũng không có chợ, không có trạm y tế, chỉ có duy nhất 1 ngôi nhà cấp 4 được xây dựng, đó cũng chính là nơi đến trường của những đứa trẻ trong bản.

Kỳ 1: Đồng bào Vân Kiều sống gần như biệt lập giữa trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 2.

Những ngôi nhà xậm xệ của đồng bào người Vân Kiều.

Khi nhắc về việc học hành của đám trẻ trong bản, ông Hồ Văn Nghiêm (trưởng bản Rào Con) chia sẻ: "Những người trên 30 tuổi ở đây đều mù chữ, may mắn còn có chỗ cho đám trẻ học cái chữ, nhưng đứa học nhiều cũng đến lớp 5 là nghỉ.

Con gái thì trông em, theo mẹ lên rẫy, còn con trai thì theo bố vào rừng săn bắt, khai thác gỗ về bán kiếm tiền mua cái ăn, cái mặc".

Sự giàu có đối với những gia đình trong bản cũng chỉ được phân biệt bởi con bò, con lợn. Nhà giàu nhất bản có hơn 10 con bò, còn những hộ trung bình cũng có hơn chục con gà hoặc vài con lợn, nhiều nhà không có con gì để nuôi thì được xem là nghèo nhất bản.

Vì cuộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài, nên người Vân Kiều ở Rào Con chủ yếu sống dựa vào nguồn thức ăn tự cung tự cấp. Thỉnh thoảng, người dân mới cố gắng vượt rừng ra ngoài, đến chợ trung tâm du lịch Phong Nha để mua bán với bên ngoài.

Nhắc đến việc đi chợ, ông Hồ Văn Nghiêm cười khoái chí kể: "Người trong này ít khi đi chợ lắm, vì mỗi lần đi chợ là phải mất một ngày, mà mỗi lần đi là phải cầm theo một bộ áo quần đẹp nữa. Đi qua đường rừng này là bổ lên bổ xuống cũng phải 10 lần rồi, ra hết được đường thì người bẩn như đi cày ruộng về, nếu không cầm áo quần thay thì ra chợ họ cười chết".

Ước mơ của người Rào Con

Nguồn thu nhập chính của những người Vân Kiều ở Rào Con đều từ chăn nuôi, trồng rẫy và một phần khai thác gỗ lậu mà có.

Không có chợ, đường sá đi lại khó khăn nên hầu như cuộc sống của họ rất khép kín. Ngoài chính quyền địa phương, rất ít người biết đến sự tồn tại của bản Rào Con, vì vậy cuộc sống của họ cũng chỉ quanh quẩn với mô hình tự cung tự cấp. Thức ăn chủ yếu của họ chỉ là rau, đọt măng hái trên rừng, những con cá nhỏ đánh bắt được từ dòng suối ven bản hay vài con thú rừng bẫy được.

Sống giữa thung lũng với bốn bề là núi, không có trạm y tế nên việc thăm khám sức khỏe cũng là điều quá xa lạ với người dân nơi đây. Mỗi lần đau ốm, họ lại cúng ma, uống rễ cây hái được trên rừng, thậm chí những sản phụ khi sinh con phải tự đỡ đẻ cho nhau.

Rồi cứ chiều đến, người sống trong bản lại ra con suối gần đó tắm gội, sau đó đi về công trình nước sinh hoạt tự chảy bắt từ trên nguồn nước được chính quyền xã Sơn Trạch xây dựng cách đây vài năm để gánh nước về nhà.

Nhắc về mong muốn của đời mình, già làng Nghiêm trầm ngâm hồi lâu rồi nói: "Mình chỉ có mong muốn có được con đường để đi chợ cho dễ dàng, không phải mang theo 2 bộ quần áo nữa, mấy đứa nhỏ cũng được đi học tử tế hơn".

Kỳ 1: Đồng bào Vân Kiều sống gần như biệt lập giữa trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 3.

Hầu như cuộc sống của người dân bản Rào Con đều khép kín, ít giao thương với thế giới bên ngoài.

Vị già làng đáng kính cũng cho biết chỉ mùa nắng, người Rào Con mới có thể ra ngoài đi chợ. Còn mỗi mùa mưa lũ, người dân bản sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, lúc này, họ chỉ có thể chia nhau củ sắn, gói mì mua được còn sót lại để sống qua ngày.

Mong muốn được gần lại với người miền xuôi, thoát khỏi cuộc sống cô lập với bên ngoài cũng là nguyện vọng của hầu hết bà con Vân Kiều nơi đây. Khi thế giới ngoài kia đang phát triển từng ngày, họ vẫn đang sống những ngày tăm tối, u mê.

Với vị trí địa lý của mình, "Rào Con tuy gần mà xa" là bởi vì gian nan con đường vào bản. Không có đầy đủ hệ thống phúc lợi xã hội, trình độ nhận thức chưa cao, nên Rào Con đang là "điểm đen" về công tác quản lý, bảo vệ rừng cùng với những phong tục lạc hậu.

Để một tương lai không xa Rào Con gần hơn với miền xuôi, cần sự đầu tư, quan tâm hơn nữa cùng các cấp chính quyền địa phương huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh