Doanh nghiệp phải đào tạo, huấn luyện ATLĐ cho lao động
- Bài thuốc hay
- 13:48 - 13/04/2015
Theo TS. Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Uỷ ban đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan soạn thảo Luật) và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý Dự án Luật theo 4 nội dung chính như: Mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động; Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện và bắt buộc; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ.
Dự án Luật ATVSLĐ qui định, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này; cùng các bộ có liên quan như: Y tế, Công Thương, Xây dựng, GTVT... Trong quá trình xây dựng, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan đã tiến hành rà soát các quy định trong Dự án Luật với Bộ luật Lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật Xây dựng... để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Hiện trường vụ sập giàn giáo gây chết nhiều người tại dự án Formosa (Hà Tĩnh) tháng 3/2015.
Theo đó, chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung, quy định thêm 2 chính sách mới. Đó là chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bà In-grít Crítx-ten-xơn, chuyên gia cao cấp về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Băng Cốc, Thái Lan đánh giá cao về tiến độ xây dựng Luật ATVSLĐ của Việt Nam cùng những cam kết mạnh mẽ của việc triển khai thực hiện Công ước 155, Công ước 187...đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, ông Keisuke Taniguchi - Giám đốc bộ phận nhân sự (Cty TNHH Canon Việt Nam) cho biết, vấn đề rủi ro trong an toàn lao động phụ thuộc vào từng ngành, nghề cũng như quy mô và loại hình doanh nghiệp. Theo ông Taniguchi, sự phân biệt trong Dự án Luật chưa rõ ràng, vì vậy cần có sự nghiên cứu và phản ánh rõ nét hơn về việc phân biệt những ngành, nghề có yếu tố rủi ro về ATLĐ, để những quy định đi kèm cũng phải có thay đổi theo.
Đơn cử như vấn đề đào tạo, Việt Nam cần cho doanh nghiệp tự chủ trong việc đào tạo cán bộ, công nhân viên của đơn vị mình đảm bảo ATVSLĐ phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.
Qua đây, ông Taniguchi cũng mong muốn Luật ATVSLĐ nên theo chuẩn quốc tế trong việc phân biệt rõ ràng mức độ và ngành, nghề nguy hiểm, độc hại và trong quá trình nghiên cứu, dự thảo và ban hành luật rất cần tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp liên quan đến những ngành, nghề này để hoàn thiện Luật một cách tốt nhất và phù hợp với thực tế.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đồng tình quan điểm cho rằng: “Những ngành nghề không có nguy cơ cao, thì doanh nghiệp có thể tự chủ trong việc đào tạo cho người lao động”.
Đây là hướng để giảm sức ép lên cho các cơ quan quản lý Nhà nước.“Ngay cả khi Dự án Luật ATVSLĐ được thông qua, việc phân loại các ngành nghề độc hại, nguy hiểm để nghiên cứu tìm giải pháp phòng ngừa hiệu quả, sẽ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước.” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật về một số vấn đề như: Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động; chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; điều tra tai nạn lao động, xử lý sự cố nghiêm trọng…
Theo đánh giá chung, Dự án Luật ATVSLĐ đã hình thành khung chính sách,cơ chế kiểm soát rủi ro về ATVSLĐ ở các cấp như nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức.
Sau khi lấy ý kiến của các đại biểu, Dự án Luật ATVSLĐ sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2015.