THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:34

An toàn lao động để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội

* ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN trong năm 2014?

 - Ông Hà Tất Thắng: Năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khoẻ người lao động, bảo đảm ATVSLĐ, thu được một số kết quả tích cực. Về văn bản pháp luật, Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động đã được xây dựng theo đúng tiến độ.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tiến hành góp ý lần đầu và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ  9, năm 2015. Luật ban hành sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai hiện nay, đồng thời bổ sung nhiều nội dung mới (mở rộng đối tượng, hình thành Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).

Chương trình quốc gia về ATVSLĐ triển khai trên phạm vi cả nước cũng đã góp phần ngăn chặn và giảm trên 3% tần suất TNLĐ chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao; tăng 3% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; 3% số lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Ông Hà Tất Thắng.Ông Hà Tất Thắng.

Tăng thêm mới 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả các mô hình quản lý công tác ATVSLĐ; hỗ trợ huấn luyện cho trên 20.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và 20.000 cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp...

* Tuần lễ năm nay sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

 - Năm nay, Tuần lễ tập trung vào tuyên truyền các kỹ năng, hướng dẫn cụ thể để phòng ngừa các nguy cơ, các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra có tính chất lặp đi lặp lại như các nguy cơ cháy nổ trong hàn xì, trong sử dụng điện, các vụ tai nạn do ngạt khí, ngã cao, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp...; nêu các gương điển hình, các mô hình tốt trong công tác ATVSLĐ và PCCN; đồng thời phản ánh, phê phán những yếu kém, tồn tại gây mất ATLĐ, cháy nổ hoặc gây ô nhiễm môi trường lao động làm ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động;...

Bên cạnh đó, Tuần lễ sẽ có rất nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện, tọa đàm phỏng vấn, trao đổi các nội dung về ATVSLĐ-PCCN; phát động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp; thăm gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN)...

* Làm thế nào để Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN được thực hiện hiệu quả, tránh bệnh hình thức, thưa ông?

 - Để Tuần lễ được tổ chức hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, thiết thực, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tập trung thực hiện các công việc sau:

Đối với Ban chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Cần chú trọng công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp trực thuộc; huy động sự tham gia vào cuộc của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức hiệp hội và UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã, ban quản lý các KCN-KCX... tạo thành phong trào sâu rộng trong triển khai các hoạt động hưởng ứng;

kiểm tra, giám sát, tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm ra các mô hình, các gương điển hình; đổi mới về cách thức, quy mô tổ chức các hoạt động thao diễn xử lý sự cố, thực hành PCCC, sơ cấp cứu thiết thực hiệu quả, tránh hình thức; giảm các hoạt động mít tinh, tập trung quy mô lớn; các hội nghị, hội thảo cần tập trung bàn thảo, tìm ra các giải pháp thiết thực cho các vấn đề nổi cộm trong công tác ATVSLĐ của ngành, địa phương mình....

Cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) tháng 12/2014.Cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) tháng 12/2014.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh: Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể cải thiện điều kiện, môi trường làm việc tại doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động thiết thực, tiết kiệm hưởng ứng Tuần lễ như tập huấn, hướng dẫn về ATVSLĐ; tổ chức các hội thi, tọa đàm, thao diễn, ký cam kết thi đua trong các phân xưởng, tổ đội; thăm hỏi, động viên các gia đình, nạn nhân bị TNLĐ, BNN...;

đẩy mạnh công tác kiểm tra và tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn trong doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở người lao động chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN...

* Mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng tình hình TNLĐ vẫn diễn biến phức tạp.Vậy, cơ quan quản lý nhà nước về ATLĐ có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này trong thời gian tới?

 - Việc điều tra TNLÐ và báo cáo TNLÐ của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập. Năm 2014, cả nước xảy ra gần 600 vụ TNLĐ, nhưng đến đầu tháng 2/2015 Bộ LĐ-TB&XH mới nhận được 202 biên bản điều tra (có liên quan đến 224 nạn nhân bị chết), chiếm 34% tổng số vụ TNLĐ gây chết người.

Do vậy, chúng tôi đã đề nghị thanh tra Sở LĐ-TB&XH các địa phương kiên quyết xử phạt các doanh nghiệp không báo cáo định kỳ về TNLĐ theo quy định của Chính phủ.Hiện tình hình TNLÐ chỉ phản ánh được dưới 10%. Nhưng chỉ 10% này cũng cho thấy các nguyên nhân xảy ra TNLĐ chậm được khắc phục, tính chất của các vụ tai nạn lặp đi lặp lại.

Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, phải đưa ra những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về ATLÐ, đặc biệt với các hành vi vi phạm dẫn đến TNLÐ chết người, việc không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLÐ. Tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ TNLÐ...

* Trân trọng cảm ơn ông!


Năm 2014, cả nước đã xảy ra 6.709 vụ TNLĐ, trong đó có 592 vụ gây chết người; tổng số người bị nạn là 6.941 người (có 630 người chết, 1.544 người bị thương nặng). So với năm 2013, năm 2014 tăng 14 vụ (tăng 0,2%).

Số người bị nạn tăng 56 người (tăng 0,8%), số vụ có người chết tăng 30 vụ (tăng 5,3%), số người chết tăng 3 người (tăng 0,47%). Có 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người là: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Long An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Lai Châu. 


Văn Lý (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh