Đình chỉ các cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường
- Pháp luật
- 04:29 - 12/10/2018
Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên môi trường (TN&MT) huyện Triệu Sơn, trên địa bàn xã Thái Hòa có 28 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu. Các cơ sở tái chế bao bì lấy nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước sông Nhơm. Nguyên liệu đầu vào là các vỏ bao bì xi măng, lưới nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa thải được các cơ sở này thu mua từ các đại lý trong và ngoài tỉnh về sơ chế và sản xuất.
Các cơ sở tái chế bao bì ở xã Thái Hoà gây ô nhiễm môi trường
Những cơ sở này hoạt động theo mô hình hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, vị trí xưởng sản xuất được bố trí ven bờ sông Nhơm. Thiết bị phục vụ sản xuất đơn giản, thường có 1-2 máy giặt, công suất khoảng 5.000 bao bì/máy giặt/ngày và một máy xeo giấy. Trong đó, có 5 cơ sở ngoài giặt bao bì thu hồi bột giấy còn sản xuất thêm hạt nhựa (khoảng 1-1,2 tấn nhựa hạt/ngày), có một cơ sở dệt bao bì (công suất 1.000 bao bì/tháng). Các cơ sở sử dụng nước khoảng 100-200m3/ngày, cá biệt có cơ sở dùng đến 1.200m3 nước/ngày.
Bức xúc trước việc các cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm, ông Lê Ngọc Phi trú tại xã Thái Hoà than thở: “Các anh thấy đó, nước sông Nhơm đen nhèm. Từ giặt bao bì, đến các công đoạn chế biến khác, họ xả thẳng nước thải ra sông, nhiều hôm trời nắng bốc mùi hôi tanh không sao chịu nổi”. Còn chị Hoàng Thị Vân - người dân sống cạnh sông Nhơm cho biết: “Nhiều năm trước, sông Nhơm là nơi người dân chúng tôi lấy nước sinh hoạt tắm giặt, rồi nước cung cấp tưới tiêu đồng ruộng. Nay các anh thấy đó, không có một con cá nào sống nổi, nguồn thủy sinh vốn phong phú xưa nay gần như chết sạch. Cứ tình trạng này dân chúng tôi mang bệnh hết thôi”.
Theo ghi nhận của PV, ngoài việc xả nước thải ra sông Nhơm gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở tái chế bao bì này khi hoạt động còn bốc mùi nhựa tái chế khét lẹt khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Nước thải không qua xử lý của các cơ sở tái chế bao bì xả thẳng ra sông Nhơm, khiến người dân bức xúc
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó phòng TN&MT huyện Triệu Sơn cho biết: “Việc các cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là có. Sau khi kiểm tra thực tế, phòng đã tham mưu cho huyện có văn bản đề xuất, kiến nghị Sở TN&MT phối hợp để kiểm tra, lấy mẫu phân tích mức độ gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở tái chế bao bì”.
Cũng theo bà Xuân, sau khi kiểm tra, ngày 27/8/2018 đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận: “… việc đăng ký kinh doanh, thủ tục hồ sơ môi trường, tài nguyên nước, các cơ sở này hầu hết đều không có hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường. Có 14/28 cơ sở được UBND huyện Triệu Sơn cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; có 1/28 cơ sở nộp đề án bảo vệ môi trường (không đạt yêu cầu) và cũng chỉ có 1/28 cơ sở có bản cam kết môi trường nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường...”. Từ kết luận trên, có 27/28 cơ sở bị xử phạt hành chính. Mức phạt cơ sở cao nhất là 35 triệu đồng, thấp nhất là 25 triệu đồng, với tổng số tiền phạt là 792 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu 28/28 cơ sở này dừng ngay việc xử lý nước thải chưa qua xử lý ra sông Nhơm, trong đó 21/28 cơ sở dừng hoạt động sản xuất 6 tháng.
Các phụ phẩm, phế thải được cơ sở này đổ vô tội vạ
Trao đổi với PV, ông Lê Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: "Từ kết luận của Sở TN&MT, xã sẽ yêu cầu các cơ sở này thực hiện nghiêm kết luận của đoàn kiểm tra”.